2022-08-24 09:30:51
{"khoe-dep":"Kho\u1ebb \u0111\u1eb9p"}
[]
https://media.xevathethao.vn/images/resizing_type:fill/watermark:0.5:ce:0:0:0.3/aHR0cHM6Ly9raG9ldmFkZXAudm4vYXBwL3VwbG9hZHMvZmlsZXMvbmV3cy8yMDIyLzA4LzI0L2ltYWdlMV8xLTA5MTMzMC5qcGc=.webp

Chiếc quần cấm kỵ tại láng giềng tỷ dân Trung Quốc

Quần legging trở thành xu hướng, sản phẩm bán chạy nhờ môn ném đĩa. Tuy nhiên, phụ nữ Trung Quốc vẫn bị soi mói, phán xét khi diện loại trang phục bó sát này.

Lucia Han, chuyên gia tiếp thị và truyền thông xã hội 32 tuổi sống ở Thượng Hải, có những câu chuyện phức tạp liên quan đến quần legging.

Lucia mua chiếc quần legging đầu tiên khi đi du học ở Anh. Kể từ đó, loại quần ôm body, form vừa vặn này thường xuyên được cô sử dụng.

Tuy nhiên, khi trở về Thượng Hải, Lucia, tự mô tả mình là “người tích cực theo đuổi lối sống lành mạnh”, còn không dám mặc quần legging đến các lớp học yoga và pilates, theo SupChina.

Lucia muốn tận hưởng cảm giác thoải mái khi mặc trang phục thể thao ở bất cứ nơi đâu, nhưng cô gái trẻ cũng sợ bị soi mói khi diện những chiếc quần ôm sát đến nơi công cộng.

“Trở về Trung Quốc vào năm 2015, tôi đã bị sốc văn hóa khi bước xuống phố trong chiếc quần legging. Tôi phải chịu đựng ánh mắt dò xét khó chịu từ những người xa lạ. Sau đó, bạn bè giải thích với tôi rằng quần legging không phải là ‘thứ’ có thể thoải mái mặc ở Trung Quốc”, Lucia kể.


Thành xu hướng nhờ một môn thể thao

Áo crop tank làm nổi bật vòng eo nhỏ nhắn. Quần legging khoe đường cong. Đôi giày thể thao và chiếc mũ bóng chày thời thượng. Đó là trang phục yêu thích của những cô gái thể thao, sành điệu trong mùa hè này, đặc biệt là ở các thành phố giàu có như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Môn thể thao họ chơi là Ultimate Frisbee, hay ném đĩa. Được khởi xướng vào năm 1968 bởi một nhóm học sinh trung học Mỹ, môn thể thao này kết hợp quy tắc, luật chơi của cả bóng đá, bóng rổ và bóng bầu dục. Ném đĩa đề cao “Spirit of the Game”, khuyến khích chơi công bằng, tinh thần thể thao và vui vẻ trên cả sự cạnh tranh.

Phải mất thời gian dài, ném đĩa mới được đón nhận tại Trung Quốc. Môn thể thao này xuất hiện ở đất nước tỷ dân vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000 nhưng hầu như chỉ có người nước ngoài tham gia chơi.

Empty

 

Tuy nhiên, trong năm vừa qua, khi giới trẻ Trung Quốc mê mệt thể thao ngoài trời, tìm kiếm những cách thức mới để hòa nhập xã hội và giữ gìn sức khỏe, cùng với cắm trại và đạp xe, ném đĩa đã nổi lên như một hoạt động thể thao thời thượng.

Sự mới lạ là điều đã thu hút Nora, nhà thiết kế thời trang 25 tuổi ở Bắc Kinh, đến với ném đĩa.

Cô đã mua chiếc quần legging đầu tiên của mình từ Maia Active, thương hiệu đồ thể thao tập trung vào nữ giới tại Thượng Hải, và liên hệ với một câu lạc bộ địa phương để gia nhập bộ môn này.

Nora phải mất vài tuần học cách chơi cơ bản. Kể từ tháng 6, cô đến sân chơi 2 lần/tuần và đã tiến bộ rất nhiều. “Tôi cảm thấy vui khi đến sân chơi. Không khí thật mát mẻ và tôi yêu thích phong cách của mọi người”.

“Phong cách” mà Nora đề cập là những cô gái mặc trang phục gần giống hệt nhau. Quần legging là thứ không thể thiếu. “Đó chắc chắn là một xu hướng. So với quần thể thao truyền thống, legging giúp tôi linh hoạt và di chuyển dễ dàng hơn nhiều”.

Món đồ phải có

Đối với một số phụ nữ Trung Quốc như Nora, quần legging giờ đây không chỉ là trang phục ném đĩa, mà còn có thể mặc đi dạo, chạy bộ, chụp ảnh đăng mạng xã hội.

Trên mạng xã hội, các mẹo kết hợp trang phục với quần legging được nhiều người tìm kiếm trong vài tháng qua. Một số blogger thời trang tuyên bố đây là “món đồ phải có trong mùa hè này”.

Khi quần legging trở thành xu hướng thịnh hành, các thương hiệu nhanh chóng nắm bắt cơ hội.

Hồi tháng 5, thương hiệu quần áo thể dục COCOFIT nổi tiếng với các sản phẩm quần legging công nghệ cao, đã nhận thêm nhiều khoản đầu tư nhờ doanh số bán hàng kỷ lục trên các nền tảng thương mại điện tử.

Đầu năm nay, Jmap được ra mắt với dòng sản phẩm quần legging. Thương hiệu này cam kết cung cấp trang phục thể thao chất lượng, giá cả hợp lý và đa dạng về màu sắc.

Empty

 

Tuy nhiên, ngay cả khi các thương hiệu mới ôm tham vọng chiếm lĩnh thị trường, nhà bán lẻ quần legging Lululemon vẫn được hưởng lợi nhiều nhất nhờ vào nguồn khách hàng đã phát triển trong những năm qua.

Vào năm 2016, khi doanh số bán hàng của Lululemon giảm ở Mỹ và châu Âu, thương hiệu Canada đã nhắm đến Trung Quốc và mở cửa hàng đầu tiên ở đây.

Trong khi các nhãn hàng thể thao của Trung Quốc tập trung vào phân khúc giá rẻ, quần legging của Lululemon có mức giá tương đối cao, ít nhất là gấp đôi đến gấp ba giá của các sản phẩm tương tự từ các thương hiệu nội địa.

Tuy nhiên, chính mức giá đắt đỏ đã tạo nên sự khác biệt. Nhiều người tiêu dùng xem quần legging của Lululemon không chỉ là trang phục, mà còn đại diện cho “phong cách sống”.

“Phong cách và sự thoải mái của quần legging Lululemon là không thể đánh bại. Đó là thứ mà tôi sẵn sàng trả thêm tiền để mua”, Lucia nói.

Vẫn bị kỳ thị

Legging càng phổ biến, những tranh luận xung quanh việc phụ nữ mặc loại trang phục này càng dữ dội.

Ban đầu, những lời phàn nàn xuất hiện trên các diễn đàn trực tuyến về môn ném đĩa. Những người chơi lâu năm chỉ trích nhóm mới chơi mặc quần legging tình dục hóa trò chơi, khiến môn thể thao bị coi là xu hướng thời trang.

Nhiều người ảnh hưởng chỉ chơi ném đĩa để phô bày đường cong trong trang phục vừa vặn, đăng ảnh lên trang cá nhân, tạo nội dung trên mạng xã hội. Họ bị mỉa mai là “feipanyuan” hay “female frisbee socialite”.

Nora, người thường xuyên chia sẻ những bức ảnh chơi ném đĩa, nói rằng cô nhiều lần bị gọi là feipanyuan và cảm thấy mệt mỏi vì “khái niệm bất công” này.

“Tôi đã gặp nhiều người tới sân nhưng không thực sự chơi thể thao. Họ tạo dáng chụp ảnh trong 30 phút rồi rời đi. Nhưng họ không cản trở gì tôi, vì vậy không có lý do gì để nổi cáu cả”, cô nói.

“Có một định kiến rằng phụ nữ không nên trang điểm hay gây chú ý về ngoại hình khi chơi thể thao. Điều này hoàn toàn vô lý. Khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia ném đĩa, việc họ chụp ảnh trên sân như một cách để ghi lại trải nghiệm là điều hoàn toàn bình thường. Tôi muốn trông thật đẹp khi chơi thể thao. Nó giúp tôi hạnh phúc, vậy tại sao tôi phải ngừng làm như vậy”.

Empty

 

Khi legging vượt ra khỏi sân chơi ném đĩa để trở thành trang phục hàng ngày, cuộc tranh luận càng trở nên sôi nổi.

Những người phản đối xu hướng này cho rằng quần legging là biểu hiện của “sự trượt dài và lệch lạc về tính khiêm tốn, kín đáo”, vốn được coi là đức tính tốt của phụ nữ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.

“Tôi không có ý xâm phạm quyền ăn mặc tự do của bất kỳ ai, nhưng việc khoe mông ở nơi công cộng là không phù hợp”, một người bình luận trên Weibo.

Ngược lại, những người yêu thích quần legging kêu gọi mọi người ngừng soi mói, phán xét. “Quần legging bất ngờ gây tranh cãi. Mọi người có biết rằng đó là trang phục hàng ngày ở những nơi khác trên thế giới, dành cho phụ nữ thuộc mọi kích cỡ không?”, một người viết.

Lucia gần đây đã bắt đầu mặc quần legging bên ngoài các lớp học yoga và pilates.

“Tôi thấy rất nhiều đàn ông thích vén áo khoe bụng, ngực ở nơi công cộng. Họ được phép làm điều đó, nhưng không hiểu sao tôi lại bị đánh giá vì mặc quần legging”, Lucia nói, đề cập đến “Bikini Bắc Kinh”, hình ảnh đàn ông vén áo khoe bụng đã bị cấm ở một số thành phố của Trung Quốc vì “không văn minh”.

Cô cho biết hiện mình có 16 chiếc quần legging và cảm thấy rất thoải mái khi mặc chúng. Tuy vậy, cô hiểu rằng đây vẫn không phải là trang phục dành cho tất cả mọi người.

Khi Lucia giới thiệu quần legging cho một số người bạn ở quê nhà Tế Nam, những người “có xu hướng ăn mặc bảo thủ”, ý tưởng này đã bị dập tắt ngay lập tức. “Đó là quyền tự do của họ và tôi tôn trọng điều đó”, cô nói.

Bài viết mới nhất

Ngôi sao võ thuật Út Nguyễn cùng mong muốn đưa Võ cổ truyền đến với công chúng qua bộ phim Bĩ Cực

Bộ phim Bĩ Cực (Thick Blood) - sản phẩm tâm huyết của nam diễn viên sau nhiều năm thai nghén và chuẩn...

Khai giảng Khoá huấn luyện Võ gậy – Cơ hội để học sinh IVS tìm hiểu văn hoá võ thuật truyền thống Philippines

Trong nhiệm vụ nghiên cứu và huấn luyện võ thuật, đồng thời nhằm mục đích khơi nguồn cảm hứng và có...

Malaysia lo lắng cho thế hệ còi xương và chậm lớn

Tỷ lệ trẻ em bị còi xương ở Malaysia là 30%, bao gồm cả những đứa trẻ lớn lên từ các gia đình khó...

Căn bệnh khiến nữ sinh có cảm giác tay chân bị giữ chặt khi chạy

Mỗi lần chạy hay chơi thể thao, nữ sinh người Trung Quốc lại cảm thấy chân và tay trái bị ai đó giữ chặt. Hiện...

Hành trình 3 năm điều chế thuốc chẩn đoán ung thư độc nhất ở Việt Nam

Chứng kiến người bệnh ung thư phải bỏ hơn trăm triệu đi nước ngoài, bác sĩ và kỹ thuật viên của của Bệnh viện...