Nguyên tắc 4-3-2, ăn đủ 400 gram rau, 3 loại rau khác biệt và 2 loại quả mỗi ngày là một trong nhiều cách để bố mẹ xây dựng thói quen ăn uống đa dạng cho trẻ.

Những năm gần đây, béo phì trở thành nỗi lo thường trực của những phụ huynh có con ở tuổi đi học. Bên cạnh những nguyên nhân như yếu tố di truyền, ngủ ít hay ít vận động; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh cũng góp phần đáng kể khiến trẻ thừa cân.

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi dần giảm thì tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em lại tăng nhanh, đặc biệt ở các đô thị. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở các em học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông ở thành thị là 41,9%. Béo phì gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe như gây rối loạn tiêu hoá, gan nhiễm mỡ sớm, tăng huyết áp, nguy cơ ngừng thở khi ngủ…

Một trong những nguyên nhân chính đến từ chế độ dinh dưỡng mất cân đối và thói quen ăn uống không lành mạnh, như dư tinh bột, đạm thực vật nhưng thiếu hụt chất xơ. Dù Việt Nam là thiên đường của các loại rau củ quả, kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng năm 2015 lại cho thấy 57,2% người trưởng thành ít ăn rau hoặc trái cây, chưa đủ 400 gram rau, 3 loại rau khác biệt và 2 loại quả mỗi ngày theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Các loại rau củ được phân theo 5 nhóm màu, mang đến những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Ảnh: Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Nhiều phụ huynh chú trọng bổ sung chất đạm, béo, vitamin vào bữa ăn cho trẻ nhưng lơ là chất xơ trong khi chất này đóng vai trò quan trọng. Cung cấp đủ chất xơ trong khẩu phần mang đến nhiều lợi ích, từ hỗ trợ quá trình tiêu hoá, làm giảm lượng cholesterol trong máu, tham gia điều hoà đường huyết đến giúp giảm cân, giảm nguy cơ ung thư đại tràng và ức chế sự phát triển khối u ác tính… Một số loại rau quả còn có công dụng kích thích và tăng cường việc sản xuất kháng thể.

Trẻ em thuộc nhóm đối tượng dễ thiếu chất xơ vì đa số trẻ không thích ăn rau củ quả. Trẻ dung nạp thức ăn nhanh, quà vặt, bánh kẹo ngày càng nhiều trong khi lại ít ăn rau xanh và trái cây. Gặp khó trong việc khuyến khích trẻ ăn rau, nhiều phụ huynh chiều theo thói quen ăn uống của trẻ. Tuy nhiên, điều này cần được thay đổi bởi chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng là chìa khoá để bảo vệ sức khoẻ, hình thành lối sống lành mạnh từ những năm đầu đời của trẻ.

Tháp dinh dưỡng dành cho trẻ 6-11 tuổi theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Để bữa cơm đủ rau và đa dạng, phụ huynh có thể áp dụng một trong những nguyên tắc 4-3-2, ăn đủ 400 gram rau, 3 loại rau khác biệt và 2 loại quả mỗi ngày.

Để khuyến khích trẻ ăn rau, phụ huynh có thể kiên nhẫn tập cho con làm quen các loại rau củ quả thay vì căng thẳng, nổi nóng và biến bữa ăn thành cuộc chiến. Bố mẹ cũng nên xem lại các lựa chọn dinh dưỡng của chính mình. Khi bố mẹ ăn nhiều rau, trẻ sẽ quan sát và học theo.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể tạo hứng khởi cho trẻ qua các trò chơi, câu chuyện thú vị hay những món ăn được trang trí bắt mắt, có tạo hình vui nhộn, các bộ chén bát nhiều màu sắc. Bố mẹ cũng có thể cho trẻ làm quen các loại rau củ nhiều tinh bột và có vị ngọt trước, như vậy trẻ sẽ thoải mái tiếp nhận hơn.

Một cách khác là cho trẻ tham gia nấu ăn để có thêm động lực thử những món mới. Phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ làm một số công đoạn đơn giản như rửa rau, nhặt rau, xếp trái cây lên đĩa, đồng thời giải thích để trẻ hiểu ý nghĩa của việc mình làm. Như vậy đến bữa ăn, trẻ sẽ cảm thấy hào hứng muốn thưởng thức thành quả do mình làm ra.

Phụ huynh nên tạo cảm hứng và giúp trẻ ăn đủ 400 gram rau, 3 loại rau khác biệt và 2 loại quả mỗi ngày theo nguyên tắc 4-3-2 để trẻ được bổ sung chất xơ đủ lượng và đa dạng.

Tương lai của trẻ phụ thuộc vào hành động của bố mẹ, đặc biệt là cách xây dựng bữa ăn gia đình. Vì thế, phụ huynh nên từng bước tập cho trẻ thói quen ăn uống cân bằng, bắt đầu từ việc ăn đủ rau mỗi ngày.

Theo Giang Ngân Nhi (zing) – Ảnh: T.H