Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, trong năm 2016, mặc dù ngộ độc thực phẩm quy mô lớn giảm nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm đang có chiều hướng tăng. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, số người ngộ độc thực phẩm đã bằng cả năm 2015.
Gần đây nhất, vào ngày 29/10/2016, trên địa bàn xã Hòa Phú (huyện Củ Chi) đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Worldon Việt Nam làm nhiều công nhân mắc và phải nhập viện điều trị. Đây là lần thứ hai công ty này xảy ra ngộ độc thực phẩm trong năm 2016 (lần đầu vào ngày 12/5/2016).
Trước tình trạng trên, cục An toàn thực phẩm (Bộ Y Tế) đã có văn bản đề nghị điều tra, xử lý và tăng cường biện pháp kiểm soát ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, theo đó, cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng cần triển khai gấp các nội dung sau:
1. Tổ chức khám, cấp cứu và điều trị tích cực cho số công nhân bị ngộ độc, đối với các bệnh nhân có biểu hiện xấu cần chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
2. Đình chỉ tạm thời hoạt động của bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Worldon Việt Nam để điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
3. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người quản lý, người trực tiếp chế biến thực phẩm trong các khu công nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp tuyệt đối không ký hợp đồng cung cấp dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn không đủ điều kiện, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Sau đó, phải báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm và Bộ trưởng Bộ Y tế theo quy định.
Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
Điều 3. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
3. Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y trước khi sản xuất, chế biến thực phẩm;
b) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm;
c) Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm được thực hiện từ mẫu thực phẩm bị đánh tráo hoặc giả mạo hoặc phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp sai quy định;
d) Buộc tiêu hủy giấy tờ giả;
đ) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức
1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất của khung tiền phạt theo quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 5; Khoản 6 Điều 6; Khoản 3 Điều 7; Điểm d và Điểm đ Khoản 5, các điểm b, c và d Khoản 6 Điều 16; Khoản 4 Điều 26 Nghị định này mà vẫn còn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với cá nhân vi phạm) hoặc thấp hơn 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với tổ chức vi phạm) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân hoặc 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.
3. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.