Lò vi sóng có tác dụng hâm nóng đồ ăn, rã đông thực phẩm, nhưng liệu chúng ta có nên nấu ăn hàng ngày bằng thiết bị này hay không?
Lò vi sóng được tạo ra để giúp chúng ta tiết kiệm thời gian khi nấu nướng. Tuy nhiên, điều cần thiết là chúng ta phải nhận thức được những hạn chế tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng chúng hàng ngày. Theo India Times, dưới đây là tác hại khi sử dụng lò vi sóng để nấu ăn hàng ngày mà những người phụ thuộc nhiều vào thiết bị này cần cân nhắc.
1. Làm giảm giá trị dinh dưỡng
Một trong những nhược điểm ít được biết đến của việc nấu bằng lò vi sóng là khả năng làm giảm chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Lò vi sóng tạo nhiệt bằng cách phát ra sóng điện từ làm xáo trộn dinh dưỡng trong thực phẩm.
Việc đun nóng nhanh này có thể dẫn đến mất đi các vitamin tan trong nước như vitamin C và một số loại vitamin B. Ngoài ra, thời gian nấu trong lò vi sóng ngắn hơn có thể khiến chất dinh dưỡng được giữ lại ít hơn so với các phương pháp nấu truyền thống.
2. Ảnh hưởng mức độ chống oxy hóa
Lò vi sóng đã được chứng minh là có tác động đến mức độ chống oxy hóa trong một số loại thực phẩm. Chất chống oxy hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, có thể nhạy cảm với nhiệt độ cao do lò vi sóng tạo ra. Sự nhạy cảm này có thể dẫn đến giảm khả năng chống oxy hóa của thực phẩm được nấu trong lò vi sóng, dễ ảnh hưởng các đặc tính tăng cường sức khỏe của chúng.
3. Hình thành các hợp chất có hại
Trong một số trường hợp, quá trình nấu bằng vi sóng có thể góp phần hình thành các hợp chất có hại. Ví dụ, cho vào lò vi sóng một số loại hộp nhựa hoặc vật liệu đóng gói có thể giải phóng các chất độc hại tiềm tàng vào thực phẩm. Điều quan trọng là sử dụng các dụng cụ đựng thức ăn an toàn với lò vi sóng và tránh những loại nhựa không được dán nhãn an toàn để giảm thiểu nguy cơ hình thành hóa chất.
4. Làm ấm không đều
Lò vi sóng làm nóng thức ăn không đều, điều này có thể tạo ra các điểm nóng hơn bên trong thực phẩm. Việc làm nóng không đồng đều này có thể dẫn đến những lo ngại tiềm ẩn về an toàn thực phẩm vì vi khuẩn thường tồn tại ở khu vực mát hơn.
Điều cần thiết là phải khuấy hoặc xoay thực phẩm trong lò vi sóng để quá trình làm nóng đồng đều hơn và giảm nguy cơ ăn phải những phần chưa chín hoặc quá chín.
5. Thay đổi kết cấu và hương vị
Lò vi sóng có thể làm thay đổi kết cấu và hương vị của một số loại thực phẩm. Mặc dù không phải là vấn đề đáng lo ngại khi hâm nóng thức ăn thừa, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng của bữa ăn mới nấu. Thực phẩm có kết cấu cụ thể hoặc yêu cầu kỹ thuật nấu cẩn thận sẽ không đạt được kết quả tương tự khi chế biến bằng lò vi sóng.
6. Nguy cơ rò rỉ bức xạ
Mặc dù lò vi sóng được thiết kế với các tính năng an toàn để ngăn chặn rò rỉ bức xạ, đôi khi các vòng đệm bị lỗi hoặc cửa bị hư hỏng có thể gây ra rủi ro. Nguy cơ tiếp xúc với mức độ bức xạ có hại từ lò vi sóng được đảm bảo mức thấp nhưng tốt nhất là bạn nên kiểm tra thường xuyên thiết bị này để đảm bảo an toàn.
Theo Mai Phương (znews) – Ảnh: T.H