Khi bị đầy hơi, bạn nên đứng dậy, xoa bụng… để nhanh giảm cảm giác khó chịu.
Mẹo giúp giảm đầy hơi
Nhiều người ăn chưa no nhưng bụng không thể chứa thêm, có cảm giác đầy hơi, muốn ói. Lúc này, bạn hãy áp dụng bốn mẹo sau:
– Đứng dậy sau ăn. Vì ngồi sẽ gây áp lực lên đường tiêu hóa, làm chậm nhu động ruột và dễ tạo ra khí hơn. Do đó, khi bụng chướng, đứng sẽ tốt hơn rất nhiều.
– Nếu vẫn cảm thấy đầy bụng sau khi đứng dậy, bạn thử nằm trên giường, nâng mông lên để tống khí ra ngoài và giảm áp lực lên đường tiêu hóa.
– Xoa bụng giúp tăng cường nhu động đường tiêu hóa và tống khí ra ngoài nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn nên đợi ít nhất một tiếng rưỡi sau bữa ăn rồi mới bắt đầu thực hiện động tác này.
– Một tiếng rưỡi sau bữa ăn, bạn có thể làm một chút việc nhà, đứng dậy hoặc đi dạo. Điều này có thể làm giảm áp lực lên dạ dày và giảm các triệu chứng đầy hơi.
Thói quen giúp tránh đầy hơi
– Ăn chậm, nhai chậm, không nói chuyện trong khi ăn.
– Ăn ít thực phẩm tạo ra khí gồm: sữa, đường, đậu, củ, tinh bột, rau có chất xơ thô…
Nếu bụng bạn luôn đầy hơi, hãy cẩn thận với ba vấn đề sau:
– Khó tiêu
Công việc ban đầu của dạ dày là làm nhỏ các miếng thức ăn để ruột dễ tiêu hóa và hấp thụ. Nhưng khi dạ dày không hoạt động tốt, gánh nặng cho ruột sẽ nặng nề hơn. Rất nhiều thức ăn chưa kịp cắt thành miếng nhỏ đã tràn vào ruột.
Khi vi khuẩn trong ruột phân hủy những miếng thức ăn to, chúng sẽ tạo ra một lượng lớn khí.
– Loét, viêm dạ dày
Hai bệnh này cũng có thể gây ra tình trạng dạ dày không đủ nhu động, gây khó tiêu và đầy hơi. Bạn cần đến bệnh viện để nội soi dạ dày.
– Tắc ruột
Ngoài cảm giác đầy hơi, nếu bạn không đi tiêu hoặc xì hơi trong hơn ba ngày, bị đau dạ dày, chuột rút hoặc nôn mửa, rất có thể một phần ruột nào đó đã bị tắc bởi cặn thức ăn. Bạn phải đến bệnh viện chụp X-quang hoặc siêu âm để được chẩn đoán tình trạng sức khỏe.
Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H