Công an quận Bình Tân đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM trích xuất camera truy tìm 2 thanh niên cướp giật túi xách khiến 1 người tử vong và 1 người bị thương.
Nạn nhân tử vong là bà Lê Mộng Huyền (SN 1972); người con của bà Huyền, là chị Trần Lê Tuyết Nhi (SN 1995) hiện nằm điều trị tại bệnh viện Hùng Vương do bị động thai.
Theo thông tin ban đầu, tối 15/2, chị Nhi, chở mẹ là bà Huyền chạy xe máy từ ngã tư An Sương (quận 12) về đường An Lạc (quận Bình Tân).
Khi 2 mẹ con chị Nhi đang lưu thông trên quốc lộ 1, khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân bất ngờ bị 2 thanh niên điều khiển xe gắn máy hiệu Wave màu xanh ép sát, giật giỏ xách của bà Huyền.
Cú giật của kẻ xấu bất thành nhưng khiến chị Nhi lạc tay lái, té xuống đường, bị thương tích nặng. Người đi đường phát hiện, đưa mẹ con bà Huyền đi cấp cứu.
Do thương tích nặng, ngay trong đêm, bà Huyền tử vong tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Còn chị Nhi bị động thai, hiện đang điều trị tại bệnh viện…
Ngay sau khi nhận tin báo, Công an tiến hành lấy lời khai của các nhân chứng và những người liên quan để điều tra, truy xét.
Những điều nên làm để tránh bị cướp giật khi đi xe máy
1. Chú ý quan sát
Đối tượng cướp giật thường có những biểu hiện khả nghi như hay nhìn dáo dác, bám đuôi, hoặc cố tình đi sau một đoạn dài mà không thấy vượt lên. Khi bạn phát hiện những đối tượng có dấu hiệu đáng ngờ như vậy, hãy dừng xe và quan sát tình hình. Cảm thấy không an toàn, hãy tạt vào một quán nước ven đường, hoặc gọi điện thoại cho người thân để nhờ hỗ trợ.
2 . Tuyệt đối không đeo túi trên người
Hãy cất túi xách của bạn vào cốp xe. Đừng đeo trên người dù là đeo một bên, hay đeo chéo phía trước và phía sau. Bọn cướp có thể giật túi, hoặc cắt dây túi của bạn. Khi bị giật túi, bạn sẽ bị ngã văng xuống đường, gây ra các chấn thương đầu, tay chân, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp không có cốp xe, hãy quấn chặt quai túi vào cổ xe, dùng áo khoác, áo chống nắng, hay thứ gì có thể để che đi. Nên nhớ nếu xe có giỏ đằng trước lại càng đừng bao giờ để túi xách ở đó mà không che lại hoặc dấu quai túi đi.
3. Không gây sự chú ý
Trong trường hợp phải mang theo những chiếc ba lô, hoặc túi xách to không để được vào cốp xe, bạn hãy để ở phần giữa của xe và dấu quai túi và quai ba lô đi, hoặc cuốn chặt vào móc treo đồ gắn trên xe. Hai chân chặn hai bên của ba lô và túi xách, đồng thời mang theo áo mưa hoặc áo chống nắng che kín ba lô, túi xách của bạn để không gây sự chú ý với bọn cướp.
Khi phải dừng lại chờ đèn đỏ, hoặc đường đông, hãy cẩn thận quan sát hai bên, nếu bên nào có những người ít nghi ngờ như người già, xe có trẻ con… thì nên chống chân về phía đó, chân còn lại vẫn giữ chặt vào phía ba lô hoặc túi xách.
4. Không nghe điện thoại khi đang lái xe
Nghe điện thoại khi đang đi trên đường luôn mang đến những hậu quả rất khôn lường mà bạn không thể biết trước. Vì vậy nếu có chuyện khẩn cấp, thì nên dừng lại, tìm chỗ có cột điện, hoặc gốc cây để làm chướng ngại vật tránh bọn cướp. Trong khi nghe điện thoại vẫn cần chú ý quan sát xung quanh, cầm điện thoại thật chặt bằng cả bàn tay, đồng thời nên nói thật nhanh và ngắn gọn.
5 . Đừng đeo trang sức
Có ý kiến cho rằng dù có để đồ vào cốp xe thì vẫn có thể bị cướp. Nhưng rõ ràng nguy cơ sẽ ít hơn hẳn so với cướp giật. Không nên đeo trang sức đi ngoài đường khi ăn mặc hớ hênh, hở cổ, hở tay. Nếu không muốn cất đồ trang sức vào cốp xe, bạn nên mặc áo cài kín cổ, che kín nhẫn, dây chuyền, lắc tay…Cướp sẽ không tấn công khi thấy bạn không có dấu hiệu “khoe khoang” tài sản.
6 . Đừng chọn lối đi quá vắng người
Nếu có thể bạn nên đi với nhiều người, hạn chế đi một mình, nhất là ở những đoạn đường vắng, thiếu ánh sáng hoặc đi vào những nơi mà bạn chưa quen đường. Hạn chế việc đi sớm về khuya ở những đoạn đường không an toàn.
Nếu có hai đường, hãy chọn đường đông đúc, thay vì đường vắng. Cho dù đường có đông hơn, xa hơn nhưng chắc chắn nguy cơ xảy ra cướp giật sẽ ít hơn.
Bạn hãy tìm hiểu rõ nơi bạn đến trước khi tham gia lưu thông. Tránh những con đường mà bạn đã nghe thấy hoặc qua thông tin báo, đài là thường xuyên có cướp giật. Nếu có hỏi thăm đường nên hỏi ở các chốt giao thông, lực lượng công an sẽ chỉ đường cho bạn.