Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, vừa điều trị thành công cho một bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não. Điều mà các bác sĩ quan ngại về nguyên nhân gây bệnh chính là bệnh nhân sử dụng thuốc tránh thai khoảng 4 – 5 năm nay.
Can thiệp thông mạch máu bị tắc thành công
Theo BS Lương Quốc Chính, bệnh nhân là B.T.K.P ( nữ, 43 tuổi, Hà Nội), được đưa vào khoa Cấp cứu A9 lúc 7 giờ 40 phút ngày 21/2 vì bị liệt nửa người trái. Khoảng 3 giờ sáng cùng ngày, trước khi đi ngủ, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Đến 6 giờ sáng gia đình phát hiện bệnh nhân nói khó, méo miệng và liệt 1/2 người trái. Ngay lập tức, gia đình sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách châm kim vào 10 đầu ngón tay. Khoảng hơn một giờ sau, khi thấy tình trạng bệnh nhân không cải thiện, gia đình đưa ngay bệnh nhân vào khoa Cấp cứu A9.
Bệnh nhân được đưa tới khoa Cấp cứu A9 lúc 7 giờ 40 phút, nếu tính “rẻ” thì thời gian kể từ khi khởi phát đột quỵ cho tới khi vào bệnh viện là 5 giờ đồng hồ. Tuy rằng là muộn, không còn chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch để xử trí cấp cứu đột quỵ nhồi máu não, nhưng thật may mắn khoảng thời gian này vẫn nằm trong cửa sổ 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng khởi phát đột quỵ não để làm can thiệp lấy huyết khối gây bít tắc mạch máu não bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch.
Ngay khi bệnh nhân vào viện, các bác sĩ trực tại khoa Cấp cứu A9 khám thấy bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, nhịp tim bình thường, huyết áp không cao, thở êm, không sốt…. Tuy nhiên, bệnh nhân có liệt dây thần kinh số VII bên trái rõ (liệt mặt trái), liệt hoàn toàn nửa người trái, dấu hiệu Babinski dương tính bên trái…
Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ não và mạch não cấp cứu tại khoa Chẩn đoán Hình ảnh, cho kết quả tổn thương tăng tín hiệu thái dương, thùy đảo, nhân bèo bên phải của nhồi máu não cấp tính trên FLAIR do tắc động mạch não giữa phải đoạn đầu M2 .
Nhận thấy đây là một trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, hơn nữa nếu điểm ASPECT ≤ 7 (trường hợp bệnh nhân này là 6 điểm) thì khả năng kết cục lâm sàng xấu chiếm đến 90% nếu không được điều trị tái thông mạch máu nhằm cứu nguy cho các vùng não bị thiếu máu vẫn có khả năng hồi phục (tranh tối tranh sáng). Do vậy, các bác sĩ trực Khoa Cấp cứu A9 và Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, đã rất quyết tâm, hội chẩn chớp nhoáng với nhau trước khi xin ý kiến lãnh đạo hai khoa cho chỉ định can thiệp tái thông mạch máu bị tắc bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch cho bệnh nhân.
Chỉ chưa đầy 30 phút can thiệp tái thông mạch máu bị tắc bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch cho bệnh nhân, các bác sĩ đã lấy ra được một mảnh huyết khối nhỏ có chiều dài khoảng 1 cm. Tiến hành chụp mạch lần cuối cùng thấy động mạch não giữa bên phải tái thông hoàn toàn. Sau khi kết thúc can thiệp tái thông, bệnh nhân được chuyển về Khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng tỉnh hoàn toàn, không còn liệt dây thần kinh số VII bên trái, liệt 1/2 người trái cải thiện rõ, NIHSS giảm rõ rệt từ 8 xuống 1.
“Hôm nay, ngày điều trị thứ 8, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không còn bất cứ dấu hiệu liệt nào”, BS Lương Quốc Chính chia sẻ.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn chưa tìm thấy bất cứ yếu tố nguy cơ nào khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng đột quỵ nhồi máu não như vậy. Một điều hết sức quan trọng khiến các bác sĩ phải lưu tâm là bệnh nhân sử dụng thuốc tránh thai từ khoảng 4,5 năm nay. Đây thực sự là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ đột quỵ não, nhất là ở những người hút thuốc lá, tăng huyết áp, đau nửa đầu.
Sử dụng liều thuốc càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng tăng
Theo nhiều nghiên cứu, ở phụ nữ trẻ khỏe mạnh mà không có bất cứ yếu tố nguy cơ đột quỵ não, thì nguy cơ đột quỵ liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai là thấp. “Nhưng ở phụ nữ có các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác thì nguy cơ đột quỵ liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai là cao hơn, do vậy thuốc tránh thai đường uống không nên khuyến khích”, BS Marisa McGinley (Loyola University Medical Center and Loyola University Chicago Stritch School of Medicine) nói.
Thuốc tránh thai đường uống làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não gây ra bởi các cục máu đông và chiếm khoảng 85% tất cả các đột quỵ. Trên quần thể dân số, thuốc tránh thai dường như không làm tăng nguy cỡ đột quỵ chảy máu não gây ra bởi chảy máu trong não.
Tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng 4,4 trường hợp trên 100.000 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Trong một nghiên cứu phân tích gộp, thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 1,9 lần, và làm tăng tỷ lệ độ quỵ lên 8,5 trường hợp trên 100.000 phụ nữ có dùng thuốc. Đây vẫn chỉ là nguy cơ thấp; cứ 24.000 phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai thì sẽ có thêm 1 trường hợp đột quỵ não.
Nhưng với phụ nữ vừa dùng thuốc tránh thai và vừa hút thuốc lá, có bệnh tăng huyết áp hoặc có tiền sử đau nửa đầu … thì nguy cơ đột quỵ còn cao hơn rõ rệt. Không nên khuyến khích những phụ nữ này dùng thuốc tránh thai.
Lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp
Không nên sử dụng quá 2 liều viên tránh thai khẩn cấp trong vòng một tháng.
Loại thuốc tránh thai khẩn cấp 2 viên, nhất thiết phải uống đủ cả 2 viên mới có tác dụng ngừa thai.
Trong một số trường hợp nếu không có kinh nguyệt trở lại trong vòng 4 tuần sau khi sử dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp thì có khả năng đã mang thai. Trong trường hợp này cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn kịp thời.
Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chọn phương pháp tránh thai
Nếu những ai đang dùng thuốc ngừa thai kết hợp mà gặp những triệu chứng gọi là “dấu hiệu nguy hiểm” như đau bụng dữ dội, đau đầu dữ dội, đau ngực, đau chân nghiêm trọng không rõ nguyên nhân… thì nên ngưng dùng thuốc ngay lập tức và đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.
Nếu trong khi dùng thuốc, bạn thường gặp những cơn đau đầu, đặc biệt là những cơn đau cố định ở một vùng thì cần phải ngừng thuốc và đi khám ở chuyên khoa thần kinh, nhất là các trường hợp có tiền sử gia đình bị tai biến mạch máu não. Đồng thời, chị em cũng nên lưu ý, nếu đang có ý định dùng thuốc ngừa thai, nên đi khám bác sĩ để được tư vấn lựa chọn loại thuốc thích hợp với cơ thể và cách dùng thuốc an toàn nhất thay vì cứ tự tiện dùng thuốc như hiện nay.
Bác sĩ Vệ cho biết thêm, thông thường không có giới hạn nào cho việc uống loại thuốc tránh thai tổng hợp này. Tuy nhiên, đã là thuốc thì đều có 2 mặt, bên cạnh mặt tốt cũng có những tác dụng phụ kèm theo vì thế bạn chỉ nên uống khoảng 6 tháng rồi ngừng một thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi. Trong thời gian này, bạn có thể dùng các biện pháp tránh thai khác như: sử dụng bao cao su hoặc tính ngày rụng trứng…
Nếu bạn được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tránh thai, nên tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần: Xét nghiệm chức năng gan, thận, đường huyết, đo điện tim, đo huyết áp, xét nghiệm tế bào cổ tử cung, siêu âm phụ khoa… trong quá trình dùng thuốc. Nếu cơ thể có những biểu hiện bất thường thì nên dừng thuốc và chuyển sang biện pháp tránh thai khác.