Cụ thể, tại Điều 108 của Dự thảo Bộ luật Lao động 2017 quy định về thời gian người lao động nghỉ trong giờ làm việc như sau:
– Người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ ít nhất 60 phút để ăn uống hàng ngày.
– Ngoài thời gian nghỉ nêu trên, người sử dụng lao động quy định thời gian nghỉ giải lao ngắn trong giờ làm việc tùy theo tính chất công việc và phải ghi vào Nội quy lao động. Thời gian nghỉ giải lao ngắn trong giờ làm việc được tính là thời gian làm việc.
Nếu được Quốc hội thông qua, người lao động sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc nghỉ ngơi và làm việc.
Điều 108. Nghỉ trong giờ làm việc – Bộ luật Lao động 2012
1. Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
2. Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào thời giờ làm việc.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.
Trước đó, quy định bà mẹ trẻ được nghỉ 60 phút mỗi ngày được nhiều người tán thành nhiệt liệt. Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan đánh giá quy định cho lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được nghỉ 60 phút mỗi ngày (Điều 155, Bộ Luật lao động 2012) là nhân văn, phù hợp.
Xung quanh việc sửa đổi Bộ luật lao động nên giữ hay bỏ quy định trên, bà Lan với kinh nghiệm của người mẹ có hai con cho rằng với 60 phút, chị em có thể tranh thủ về buổi trưa cho con bú hoặc về sớm chăm sóc con vào buổi chiều. Nhất là lao động nữ làm công việc hành chính, ngồi một chỗ 8 tiếng mỗi ngày.
“60 phút thực sự rất quý báu với phụ nữ đang nuôi con nhỏ, giúp chị em giảm bớt căng thẳng, nhất là trong cuộc sống nhiều áp lực như hiện nay”, bà đánh giá.
Theo nữ Thứ trưởng, quy định này còn liên quan đến quyền bú sữa mẹ của trẻ em. Trẻ dưới 36 tháng, đặc biệt là dưới 12 tháng được bú sữa mẹ, chăm sóc đầy đủ thì đề kháng tốt hơn, tạo nền tảng sức khỏe giúp cho quá trình phát triển của trẻ sau này.
“Tất cả sửa đổi liên quan đến Bộ Luật lao động nằm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân và các bộ ngành, chưa phải là phương án cuối cùng trình Quốc hội”, bà Lan nói và cho biết Bộ sẽ lắng nghe trên tinh thần tiếp thu cả ý kiến thuận chiều lẫn trái chiều để có đề xuất phù hợp, cân đối hài hòa quyền lợi chủ doanh nghiệp và người lao động trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.
Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Pháp chế, tổ trưởng tổ biên tập dự thảo cho biết tổng kết thực thi Luật lao động 2012, nhiều doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định này vì lao động nữ đã được nghỉ thai sản 6 tháng. Nếu có quá nhiều ưu tiên sẽ gây khó cho doanh nghiệp khi một người nghỉ ảnh hưởng đến cả dây chuyền.