Theo y học cổ truyền, đau nhức xương khớp thuộc phạm vi chứng tý (phong, hàn, thấp tý). Chứng tý là một chứng bệnh mà đặc điểm chủ yếu là đau các cơ khớp ở tay chân do khí huyết không lưu thông tốt gây bế tắc kinh lạc. Những chứng bệnh phong thấp, thấp khớp cấp, viêm đa khớp dạng thấp, viêm cơ, đau thần kinh toạ, bệnh gút… đều có thể qui vào chứng tý.
Người mắc bệnh thường có biểu hiện đau mỏi các khớp, cơn đau tăng lên khi thời tiết chuyển lạnh hoặc mưa ẩm thấp. Nguyên nhân thường do can thận hư, vệ khí của cơ thể không đầy đủ, tà khí như phong hàn thấp xâm phạm vào gân, cơ, xương khớp, kinh lạc làm cho sự vận hành của khí huyết tắc lại gây nên bệnh.
Vấn đề xương khớp khiến chất lượng cuộc sống giảm sút, để lâu không điều trị có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, tàn phế vì thoái hóa khớp v.v. do vậy nhất định không nên chủ quan. Cách phòng và điều trị có thể rất đơn giản, đôi khi chỉ cần vài vị rau thuốc sẵn có trong vườn là giải quyết xong, hoặc thậm chí không cần dùng đến thuốc.
1. Dùng ngải cứu trắng
Sử dụng lá ngải cứu trắng rửa sạch, cho lẫn muối vào rồi đổ nước nóng lên, hoặc lấy lá ngải cứu sao chung với muối rồi bọc tất cả vào khăn mỏng, sau đó chườm vào vùng khớp bị sưng đau sẽ giúp giảm đau, bớt sưng khớp. Khi ngải cứu nguội có thể sao lại và chườm như thế vài lần.
Lưu ý: Không nên chườm quá nóng có thể gây bỏng, đặc biệt thận trọng khi sử dụng cho những người có bệnh lý làm giảm cảm giác ngoài da như bệnh nhân tiểu đường…
2. Trị đau nhức xương khớp từ lá lốt
Với bài thuốc này chúng ta cần chuẩn bị 5-10 g lá lốt phơi khô hoặc một nắm lá lốt tươi, có thể dùng cả thân và rễ cây lá lốt, sắc 2 bát nước, còn nửa bát, uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
Có thể kết hợp lá lốt với rễ cây bưởi, vòi voi, cỏ xước, xấu hổ, tất cả thái mỏng, sao vàng, sắc với ba bát nước, còn một bát, chia 3 lần uống trong ngày.
3. Dùng mật ong và bột quế
Bạn có thể uống một cốc nước nóng với hai thìa mật ong và một muỗng nhỏ bột quế, hai lần mỗi ngày.
Lưu ý: Bài thuốc này có tính nóng, không nên sử dụng cho bệnh nhân có thể trạng nhiệt, bệnh nhân có tiền sử bệnh lý dạ dày.
4. Xoa bóp bấm huyệt
Ngoài cách dùng bài thuốc trị bệnh đau nhức xương khớp, người bệnh cũng có thể áp dụng một số phương pháp khác không cần thuốc, ví dụ như xoa bóp.
Việc xoa bóp ngoài giúp làm giảm co cứng cơ, giảm đau xương khớp, giảm co cứng khớp. Để hiệu quả hơn, người bệnh có thể dùng rượu thuốc để xoa bóp.
Lưu ý: Khi áp dụng phương pháp này chỉ nên xoa bóp vừa phải ở khu vực đau nhưng không có vết thương hở, tránh xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp đang có dấu hiệu viêm như sưng, nóng…
5. Tắm nước nóng
Tắm nước nóng là một cách giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh rất hiệu quả. Việc tắm nước nóng còn có thể giúp tăng khả năng tuần hoàn ngoại vi, giúp thư giãn cơ, giảm cơn co cứng cơ và thực hiện luyện tập một số cử động của khớp trong nước…
Đối với người bệnh bị viêm nhiều khớp thì nên tắm nước nóng toàn thân. Bên cạnh đó, nếu đau khớp cục bộ ở tay, chân, người bệnh có thể tắm nóng từng phần.
Lưu ý: Đau khớp do hàn lâu ngày biến thành nhiệt (chứng thấp nhiệt tý) có biểu hiện: Đau khớp, vùng đau sưng nóng đỏ, đắp lạnh dễ chịu, cử động đau nhiều hơn. Thường có sốt, thân mình nóng, tiểu vàng tiêu phần nhiều bón, mồm khát, bứt rứt thì không dùng các phương pháp trên.
Phòng bệnh vẫn là tốt nhất
Khi thời tiết chuyển lạnh, để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, nhất là ở những người cao tuổi, người có tiền sử mắc bệnh xương khớp thì việc phòng tránh từ sớm là rất cần thiết. Các chuyên gia khuyến khích cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, tham gia tập thể thao vừa phải, đồng thời cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất, giữ ấm cho cơ thể khi có lạnh, đặc biệt là vùng chân, tay.
Trường hợp cảm thấy các khớp xương bị đau nhức khó chịu, hãy nhanh chóng tới các cơ sở khám chữa bệnh để được thăm khám, đánh giá và có phương hướng điều trị bệnh thích hợp nhất.