Bánh chưng, bánh tét là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Tuy vậy, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, đối với người có nguy cơ thừa cân cần lưu ý, bánh chưng, bánh tét là món món cung cấp năng lượng rất lớn.
Cụ thể: Bánh chưng được làm từ gạo nếp, 100g gạo nếp có 344 kcal. Thông thường một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh. Vì vậy, đồ nếp nói chung, bánh chưng nói riêng khiến nhiều người tăng cân nhanh chóng.
Theo đó, một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50g cung cấp khoảng 150kcal, bằng một lưng bát cơm. Nếu mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2 – 3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể, nguy cơ không kiểm soát được cân nặng có thể xảy ra.
BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đối với một số người có sở thích ăn bánh chưng rán mà không hề để ý rằng bánh chưng đã chứa nhiều chất béo, khi rán trong dầu mỡ, lượng chất béo lại càng tăng.
Ăn nhiều bánh chưng rán sẽ chứa rất nhiều chất béo, nguy cơ tăng cân và đặc biệt không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận.
Đặc biệt, người có tiền sử dạ dày không nên ăn bánh chưng rán, có thể làm cho bệnh lý càng nặng hơn. Vì khi bánh chưng rán ăn nhiều khó tiêu gây ra chướng bụng và đầy hơi khó chịu.
Trong ngày Tết, bánh chưng chỉ phù hợp cho người thiếu cân và đang có nhu cầu tăng cân, người mới ốm dậy, người đang cần nhiều năng lượng.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, để không bị tăng cân và mắc các bệnh mãn tính, một ngày chỉ nên ăn 200-400g, bằng 2 góc bánh chia làm 8 phần.
Để giảm bớt chất béo nên gói bánh chưng bằng thịt lợn nạc, ngoài ra nên gói những chiếc bánh nhỏ để lượng ăn ít hơn, không cho muối vào khi gói bánh, hạn chế ăn bánh chưng rán, không ăn bánh chưng khi đã bị mốc, không ăn bánh chưng vào buổi tối; Nên uống nhiều nước để tránh cảm giác nóng trong người. Mỗi người nên uống khoảng 1,5-2 lít/ngày, đồng thời ăn nhiều trái cây, rau xanh để bảo vệ sức khỏe.