Nụ hôn được mệnh danh là “gia vị thiêng liêng của tình yêu”, đánh dấu sự thăng hoa trong cảm xúc của hai người khi bên nhau. Tuy nhiên, trong lịch sử, không phải lúc nào hôn cũng được chấp nhận trong xã hội…
Lịch sử của nụ hôn
Theo nghiên cứu của giáo sư Vaughn Bryant thuộc trường ĐH Texas A&M, nụ hôn đầu tiên xuất hiện từ 1.000 – 2.000 năm TCN và những cặp tình nhân ở miền Bắc Ấn Độ là những người đi tiên phong. Vào thời điểm đó, người xưa không gọi hành động của mình là hôn và nó cũng chẳng giống nụ hôn như thời bây giờ.
Tài liệu cổ Ấn Độ ghi lại, việc hôn của họ giống như hành động “khịt mũi” thì đúng hơn. Người ta cọ mũi mình lên khuôn mặt người đối diện, từ má bên này, qua mũi và tới má bên kia. Nụ hôn giống chúng ta nhất bây giờ được ghi chép trong một cuốn sách nổi tiếng của Ấn Độ.
Alexander Đại đế sau khi trải nghiệm đã yêu thích những nụ hôn Ấn Độ và ngài đã đưa nó về với phương Tây. Người dân Macedonia là những cư dân châu Âu đầu tiên nếm vị ngọt của nụ hôn. Dần dà, các tộc người Hy Lạp và người Celt cũng tiếp thu cách thể hiện tình cảm này, thậm chí còn viết sách để hướng dẫn cách hôn nồng cháy và ngọt ngào nhất.
Luật lệ kì lạ trên thế giới
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của nụ hôn cũng đã nảy sinh những tập tục, luật lệ hết sức đặc biệt, thậm chí đôi khi ở nhiều thời kì, nó còn bị cấm đoán rất hà khắc nữa. Thời Trung cổ, tại Naples – miền Nam nước Ý, việc hôn không đúng chỗ bị nghiêm cấm và hình phạt cho những kẻ vi phạm là cái chết.
Còn ở Ireland, có một phong tục hôn rất đặc biệt: đó là hôn vào tảng Blarney – một khối đá xanh nổi tiếng ở lâu đài Blarney.
Theo truyền thuyết, ai hôn hòn đá này sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Không biết điều này có đúng không nhưng để làm được chuyện ấy thực sự khó khăn vì họ phải treo ngược người từ trên cao, rất nguy hiểm và từng có người chết vì tai nạn do cố hôn vào hòn đá thiêng.
Ngay cả ngày nay, việc hôn không phải ở đâu cũng được chấp nhận. Tại Mĩ, bang Iowa cấm hôn người lạ, bang Colorado cấm đàn ông hôn phụ nữ đang ngủ, cho dù là vợ, bạn gái hay là cha hôn con.
Bang Connecticut còn “dị” hơn, hôn vợ vào ngày Chủ nhật là trái phép, trong khi nếu hôn phụ nữ lạ vào ngày đó thì hoàn toàn thoải mái. Đàn ông có ria mép thì sẽ không được thường xuyên hôn người khác nếu như sống ở bang Indiana.
Ở Anh, nhà ga tàu điện ngầm Warrington Bank Quay đã tiến hành treo biển cấm hôn.
Chúng được dựng lên sau khi xuất hiện những lời phàn nàn rằng việc nhiều cặp đôi đưa ôtô lên khu vực đón và trả khách đông đúc của ga tàu và dừng ở đó hôn tạm biệt nhau, gây cản trở các hành khách khác. Trong khi ở nước Pháp, dù bạn có đứng giữa đường ray hôn nhau thì cũng không có vấn đề gì cả.
Cách đây 20 năm ở Ý, do “ga-lăng” mà một quý ông 65 tuổi hôn tay một phu nhân khi chưa được bà đồng ý. Kết cục ông này bị kết án 1 năm tù và phải bồi thường tiền. Tại Malaysia, bất cứ ai hôn ở chỗ đông người đều bị phạt 75 USD (khoảng 1,4 triệu VNĐ). Con số này ở Indonesia đắt hơn nhiều, có thể lên tới 100.000 USD (khoảng 2,08 tỷ VNĐ) và có án tù 10 năm. Tại Abu Dhabi, một cái hôn ngoài phố bị trả giá bằng… 10 ngày tù.
Vài năm trước, 2 khách du lịch người Ukraina và Uzbekistan đến Abu Dhabi hôn nhau bị nộp phạt mỗi người 1.000 USD (khoảng 20,8 triệu VNĐ). Biên bản của cảnh sát ghi họ đã “vi phạm luật pháp, phá hoại các tiêu chuẩn đạo đức xã hội”.
Ở Iran, hôn (không cứ là hôn môi) nơi công cộng sẽ bị đánh roi vào mông trần. Năm 2004, một sự kiện hi hữu đã xảy ra. Khi được công bố giải “Diễn viên xuất sắc”, do quá mừng rỡ mà nữ diễn viên Gorax Komamdirsh đã hôn lên trán ông đạo diễn bên cạnh. Và dù đã 50 tuổi nhưng bà vẫn bị phạt đánh 74 roi, rất may, nhờ sự phản đối của công chúng và fan club mà nữ diễn viên đã được hưởng… án treo.