Sợi mì được làm ngay tại quán, vị mềm béo, không bở nát, nước dùng ngọt thanh, được ninh trong 24 giờ.
Là một con phố mới ở thủ đô, phố Nguyễn Ngọc Doãn, trước đây là ngõ 82 Phạm Ngọc Thạch, chưa được nhiều người biết tới. Nối từ khu Kim Liên sang Trung Tự, chạy dọc theo sông Lừ, đây là nơi quy tụ của nhiều quán cà phê, hàng ăn, phục vụ cho giới trẻ và người dân xung quanh. Nhắc đến phố Nguyễn Ngọc Doãn, nhiều dân sành ăn ở Hà Nội cũng nhớ tới quán mì vằn thắn Phùng Gia nằm ngay đầu đường, phía Vincom Phạm Ngọc Thạch.
Đây là cơ sở hai của quán ăn vốn khá nổi tiếng ở phố Huỳnh Thúc Kháng. Ở địa điểm mới, chủ quán vẫn trung thành với hai món tủ là mì vằn thắn và phở trộn chua ngọt. Bát mì vằn thắn ở đây vừa vặn, đủ để người ăn cảm thấy thòm thèm. Dù vậy, topping cũng rất phong phú với đủ loại há cảo, gan, thịt xá xíu, rau cải cúc, bóng bì, trứng luộc, nấm hương, há cảo chiên. Đặc biệt, mỗi bát mì đều thêm hai miếng xúc xích kiểu Quảng Đông, ít nơi ở Hà Nội có.
Sợi mì và há cảo đều được làm thủ công tại quán. Ảnh: Nguyên Chi
Sợi mì của quán luôn được làm thủ công ngay tại chỗ nên thực khách có thể quan sát được quá trình làm mì và phơi mì khá thú vị. Phía ngoài, đầu bếp thoăn thoắt làm đồ ăn, chan nước dùng cho khách, còn phía trong, các nhân viên phụ trách làm mì với các công đoạn nhào bột, cho vào máy cán sợi và phơi mì cho tơi khô. Chủ quán cho biết anh cho thêm trứng vào bột để sợi mì có hương vị thơm ngon hơn. Sợi mì mềm béo, ăn rất cuốn, để lâu cũng không bị nát, bở.
Phần nước dùng có vị ngọt thanh của nấm, xương, sá sùng và tôm, được ninh 24 giờ. Miếng há cảo chiên luôn được để riêng ra đĩa để tránh bị ngấm nước dùng, mất độ giòn. Các nguyên liệu hòa quyện với nhau vừa đủ, thêm chút tương ớt và giấm tỏi đậm đà. Bát mì không có tôm với một số thực khách đây là “điểm trừ” nhưng đa phần người ăn đều cảm thấy hài lòng vì topping vốn cũng khá nhiều.
Món “át chủ bài” còn lại của quán là phở trộn chua ngọt. Cùng tên gọi nhưng món ăn này ở quán cũng có nhiều thay đổi so với các nơi, tạo nên hương vị đặc biệt. Chủ quán sử dụng giấm hoa quả nên có vị chua nhẹ dịu, không bị gắt. Khoai lang bào sợi chiên giòn, phủ lên trên bát mì, ăn vui miệng, nhiều người lầm tưởng đây là sợi mì tôm. Phần lạc giã rắc lên trên bát phở trộn được để nguyên vỏ, theo chủ quán là tốt cho hệ tiêu hóa. Topping còn lại gồm thịt xá xíu, rau sống theo mùa…
Hầu hết các công đoạn làm ra bát mì đều được thực hiện ngay tại chỗ, bên cạnh làm mì, các nhân viên còn nặn há cảo tại bàn. Thực khách có thể quan sát nên yên tâm hơn. Sau khi khách gọi, đầu bếp cho bát vào chần trong nồi nước sôi, sau đó mới lần lượt xếp mì, các loại đồ ăn kèm, rau cải cúc, hẹ vào rồi chan nước. Há cảo khách ăn tới đâu luộc tới đó nên không bị nát.
Món phở chua cũng rất được lòng thực khách. Ảnh: Phanh Nguyễn
Mì vằn thắn Phùng Gia nổi tiếng trên các ứng dụng đặt đồ ăn nên luôn có nhiều shipper đợi ở cửa. Dù vậy, quán phục vụ khá nhanh nhẹn và niềm nở. Giá cả ở mức phải chăng: 35.000-40.000 đồng một bát, phù hợp cho bữa ăn trưa hoặc ăn tối.
Theo Nguyên Chi (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H