Mới đây, thông tin về việc hơn 100 vây cá mập được phơi trên mái nhà trụ sở thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Chile gây xôn xao dư luận. Liên quan vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ xử lý. Theo đó, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Chile báo cáo, giải trình về sự việc trên, báo cáo bộ trưởng gấp.
Trước đó, sự việc được người dân xung quanh tòa đại sứ phát hiện khi nghe mùi hôi thối bốc ra ở gần đó và tìm kiếm.
Nhiều người khi nghe sự việc rất thắc mắc và đặt nghi vấn về sự có mặt của số vây cá mập này. Dạo một vòng trên mạng, không khó để tìm ra thông tin “đồn thổi” về tác dụng của vây cá mập như vi cá mập hoàn toàn là chất sụn, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa trị bệnh xương khớp, trẻ hóa, phòng chữa các bệnh về mắt, ung thư… Có lẽ vì vậy mà thời xưa, món ăn bào ngư, vi cá luôn được chọn đãi trong yến tiệc của vua chúa thời xưa.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Trần Minh Thiệu, BV Trưng Vương, thừa nhận nhiều người không tiếc tiền mua các chế phẩm từ vây cá mập với hy vọng chữa bách bệnh từ xương khớp, ung thư, mắt, bồi bổ cơ thể. Không ít bệnh nhân đến khám bệnh về cơ xương khớp tại bệnh viện thừa nhận uống thực phẩm chức năng từ sụn cá mập với mong muốn cải thiện bệnh.
Tuy nhiên, BS Thiệu cho biết: “Theo dõi rất nhiều người dùng thực phẩm chức năng từ sụn cá mập, chưa thấy ca nào hết bệnh. 30 ca chụp MRI trước và sau uống loại này hai năm cũng không thấy cải thiện gì”.
Theo BS Thiệu, ngày xưa y học chưa tiến bộ, nhiều loại thuốc đặc trị cho các loại bệnh cơ xương khớp chưa có, người ta dễ dàng tin vào đồn thổi của các thầy lang. Ngoài ra, có lẽ vi cá mập là món ăn của vua chúa nên ít nhiều người ta cũng lầm tưởng phải bổ nên vua chúa mới dùng.
Tuy nhiên, hiện tại theo các nghiên cứu khoa học trên thế giới, vây cá mập có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ vì hàm lượng độc tố thần kinh quá cao bên trong nó. Các nhà khoa học thuộc Thư viện não, ĐH Miami (Mỹ) đã nghiên cứu nồng độ độc tố đối với vây của bảy loại cá mập gồm cá mập vây đen, cá mập bò, cá mập trắng lớn, cá mập nurse, cá mập đầu búa, cá mập đầu hẹp, cá mập chanh. Kết quả cho thấy trong vây loài cá mập ở vùng biển Florida có chứa một hàm lượng cao độc tố thần kinh có tên beta-methylamino-L-alanine (BMAA).
Nhiều nghiên cứu trước đó khẳng định rằng chất này có liên quan chặt chẽ với chứng Alzheimer và bệnh về nơ-ron thần kinh vận động. Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu khác, vây cá mập còn chứa nhiều độc tố, đặc biệt là Mg và chì. Nếu ăn nhiều sụn cá mập thì sẽ bị ngộ độc chì và kim loại nặng. Chì và kim loại nặng sẽ từ từ ảnh hưởng tới não, gan thận, da, niêm mạc và đặc biệt là xương khớp, điển hình là móng tay sẽ đen, da lưỡi sẽ đen khi ngộ độc chì.
Bên cạnh đó, nhiều quảng cáo thuốc chữa bệnh chứa các hoạt chất bào chế từ sụn cá mập là hoàn toàn vô lý.
Theo BS Thiệu, kể cả bắt hết cá mập đại dương cũng chưa làm ra được 1 tấn thuốc, lấy đâu ra thuốc nhiều vậy? BS Thiệu phân tích: “Uống 500 mg thuốc vào thì cơ thể chỉ hấp thu được một phần thôi, không đủ để bổ đều hết các khớp trong cơ thể người. Còn viên thuốc có 500 mg nhưng thực sự hoạt chất chỉ có vài miligram thôi, ngoài ra toàn là các chất khác đệm vào. Cá đâu ra mà làm nhiều thế”. Ngoài ra, nhiều thuốc có chất canxi này còn làm tăng nguy cơ sỏi thận. Trên tờ hướng dẫn và trên chai thuốc có ghi rõ điều này.