Theo dinh dưỡng học cổ truyền, gan lợn vị ngọt đắng, tính ấm, có công dụng dưỡng huyết, bổ can, minh mục, rất thích hợp với các chứng can âm huyết hư gây ra tình trạng hai mắt bị khô, nhìn mờ, thị lực giảm sút, chứng khí huyết hư tổn dẫn tới suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, suy nhược thần kinh… Trong dinh dưỡng học hiện đại, gan lợn chứa nhiều protein, nguyên tố vi lượng và các vitamin, trong đó sắt và vitamin A là hết sức phong phú, các thức ăn khác không thể sánh được. Người ta ước tính trong 100g gan lợn có chứa tới 12mg sắt.
Nguyên liệu và cách chế biến
Gan lợn 500g, trứng gà 2 quả, bột gạo 30g, dầu thực vật 150g, gia vị vừa đủ. Gan lợn rửa sạch, thái miếng, trứng gà đập vỡ lấy lòng đỏ trộn đều với gan lợn và gia vị, ướp trong 30 phút rồi rắc bột gạo lên và bóp đều. Đổ dầu vào chảo, phi hành tỏi cho thơm rồi bỏ gan lợn vào, đun to lửa, đảo đều cho chín, cho thêm hành cắt đoạn và gia vị vừa đủ, ăn nóng.
Công dụng
Đây là món ăn lý tưởng để bổ dưỡng cơ thể, chữa chứng thiếu máu do thiếu sắt và thị lực giảm sút, Đông y gọi là có công dụng “dưỡng huyết, minh mục”. Như chúng ta đã biết, sắt và vitamin A là những chất hết sức cần thiết cho cơ thể. Sắt tham gia vào quá trình tạo nên hemoglobin của hồng cầu để vận chuyển ôxy, tham dự vào quá trình tạo thành myoglobin trong cơ và nhiều loại enzym trong cơ thể, đặc biệt trong chuỗi hô hấp sắt đóng vai trò vận chuyển điện tích.
Thiếu sắt sẽ gây nên tình trạng thiếu máu. Vitamin A rất cần thiết cho quá trình nhìn, sinh sản, phát triển, sự phân bào, sự sao chép gene và chức năng miễn dịch. Thiếu vitamin A là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh quáng gà. Để cung cấp đầy đủ sắt và vitamin A cho cơ thể người ta cần chú ý lựa chọn và sử dụng những thực phẩm có chứa nhiều hai chất này, trong đó gan động vật nói chung và gan lợn nói riêng là một trong những thứ đầu bảng.
Tuy nhiên, vì gan động vật chứa nhiều cholesterol nên những người bị rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, mắc bệnh động mạch vành tim thì không nên dùng.