Con người sinh ra và lớn lên cũng như cây cỏ: nảy mầm vươn lên mạnh mẽ, ra hoa kết trái, già cỗi và tàn lụi. Trong đời sống tình dục cũng vậy, có lúc thăng hoa, lúc chìm lắng.
Đông y cho rằng, sức khỏe con người nói chung, sức khỏe tình dục nói riêng, liên quan mật thiết đến tạng Thận.
Sách Nội kinh nói: “Con trai 8 tuổi thận khí thực thì tóc tốt, thay răng; 16 tuổi thì thận khí thịnh, thiên quý đến, tinh khí đầy; 24 tuổi thận khí điều hòa, thân thể cường tráng; 64 tuổi (8 thiên quý) thì thận khí suy kém tóc rụng, răng rụng, cơ thể suy yếu”.
Trẻ con sau khi sinh thể chất mềm yếu, là thuộc thận hư, là tiên thiên không đủ. Nam hay nữ có bệnh về sinh dục như: liệt dương, tinh lạnh, di tinh, hoạt tinh, hành kinh trái thường, không có con, và phát dục không tốt cũng đều là bệnh Thận.
Chú trọng bổ Thận
Theo y học cổ truyền, Thận (một trong ngũ tạng của cơ thể, bao gồm: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận, không hoàn toàn đồng nhất với quả thận trong giải phẫu học của Tây y) là một trong những tạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trạng thái con người như thế nào phần lớn đều do thận quyết định. Thận có ý nghĩa nhiều về sự phát dục, trưởng thành, thọ yểu của con người.
Ngoài chức năng chủ về thủy dịch tức là phụ trách về việc điều hòa duy trì sự thay cũ đổi mới của phần nước trong cơ thể, chủ về hỏa với vai trò của mệnh môn hỏa hay còn gọi là thận dương, mệnh môn tướng hỏa là một điểm vô hình dưới đốt sống thứ 14, chủ về xương và tóc, Thận còn có một chức năng hết sức quan trọng là tàng chứa tinh.
Tinh ở đây được hiểu theo nghĩa là vật chất cơ bản của hoạt động sống, bao gồm hai loại: tinh sinh dục để duy trì nòi giống hay còn gọi là tinh tiên thiên và tinh được tạo nên từ đồ ăn thức uống hay còn gọi là tinh hậu thiên.
Hai thứ tinh này có quan hệ mật thiết với nhau và gọi chung là thận tinh. Tác dụng của thận tinh được gọi là thận khí.
Y học cổ truyền đánh giá rất cao vai trò của thận khí, coi đây là nhân tố quyết định sự sinh trưởng phát dục cho đến sự sinh nòi, đẻ giống sau này của cơ thể. Thận khí thịnh và đầy đủ thì răng bền, tóc tốt, gân xương cứng vững chắc, kinh nguyệt đầy đủ, tinh khí dồi dào…
Thận khí suy kiệt thì răng rụng, tóc khô, thân thể hao mòn, kinh nguyệt không còn, tinh khí cạn kiệt…
Bởi thế, Hải Thượng Lãn Ông trong cuốn “Châu ngọc cách ngôn” đã viết: “Thận là cội nguồn của tạng phủ, là gốc rễ của 12 kinh mạch, là cơ sở của sinh mệnh, là bể chứa tinh huyết”.
Chức năng này của tạng Thận đã được chứng minh là bao hàm cả vai trò của các tuyến nội tiết trong sinh lý học hiện đại, trong đó có tuyến sinh dục.
Bởi vậy, khi tạng Thận hư suy, ngoài các chứng trạng của bệnh lý toàn thân còn có những biểu hiện như: suy giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương (bất lực, liệt dương, yếu sinh lý), rối loạn xuất tinh (xuất tinh sớm, không xuất tinh, di mộng tinh), vô sinh, rối loạn kinh nguyệt…
Theo Đông y, khi đàn ông mất khả năng hoặc khả năng sinh tinh yếu, thiếu là do tạng Thận hư yếu, bởi Thận tàng tinh và sinh tinh.
Do vậy, bài thuốc phải giúp bổ Thận, tráng dương, sinh tinh, chứ không phải chỉ giúp cường dương không thôi.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông có nói: “Người thầy thuốc giỏi chữa bệnh không có con, về phía con trai thì nói là ở chủ tinh, về phía gái mói chủ ở huyết.
Bàn luận lập phương thuốc: phía trai thì lấy bổ thận làm cốt, phía gái điều kinh làm đầu, lại tham khảo thêm những thuyết bổ khí, hành khí, xét lại thật thấu suốt có thể thụ thai được”.
Những bài thuốc giúp phục hồi “bản lĩnh”
Những bài thuốc này chủ yếu dựa vào cổ phương, kinh nghiệm của người đi trước, cùng kinh nghiệm lâu năm của bản thân đã trực tiếp điều trị cho rất nhiều bệnh nhân có hiệu quả cao.
Những bài thuốc này tư âm, bổ dương, tăng cường tinh khí, nâng đỡ thể trạng chứ không chỉ có tác dụng kích hứng nhất thời làm cương cử dương vật.Các vị thuốc này phối hợp với nhau để quân bình âm – dương cho cơ thể. Bài thuốc này chủ bổ các tạng: Thận, Tâm, Can.
Tuy nhiên, riêng mỗi vị thuốc lại có những nét đặc biệt; trong đó có những vị không chỉ bồi bổ cơ thể toàn diện mà còn có tác dụng kích thích ham muốn, có tác dụng như thuốc tân dược mà điển hình là Viagra.
Ví dụ: nhung hươu chứa nhiều kích thích tố, dùng trích tinh để thí nghiệm trên chuột thì thấy chuột tăng cường về sinh lý rõ ràng.
Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng hoạt chất sinh học trong nhục thung dung rất phong phú,có tác dụng như một loại hoóc-môn sinh dục, có khả năng kích thích và điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận.
Nhân sâm, theo Đông y, tính ấm, vị ngọt, có công dụng đại bổ nguyên khí, ích thận, tráng dương, bổ tỳ, ích phế, sinh tân chỉ khát, dùng để chữa chứng thận dương hư, mệnh môn hỏa suy.
Phân tích bằng dược lý hiện đại cho thấy, nhân sâm trong thành phần hoá học có chứa ginsenosid, có tác dụng làm hưng phấn vỏ thượng thận, thúc đẩy công năng các tuyến sinh dục, làm tăng tiết các hoóc – môn sinh dục.
Đông y có các bài thuốc bổ thận, tráng dưong, sinh tinh theo các thể bệnh.
Thận âm hư: với triệu chứng đau ngang thắt lưng, tiểu đêm, di tinh, mộng tinh, người gầy, vẫn còn ham muốn nhưng không giao hợp được vì dương vật không cương cứng. Dùng bài Thất vị bổ tinh:
Thục địa 320g, hoài sơn 240g, sơn thù 200g, đơn bì 120g, trạch tả 120g, bạch linh 160g, nhục quế 40g, gia nhục thung dung 200g, lộc nhung 120g, kỷ tử 160g.
Thận dương hư: triệu chứng người và chân tay sẽ lạnh, lờ đờ, chậm chạp, không muốn ăn uống, trông người vẫn bình thường nhưng sự ham muốn tình dục sẽ yếu, giảm dần rồi mất hẳn.
Dùng bài: thục địa 200g, sơn thù 200g, nhân sâm 200g, phục thần 160g, táo nhân 160g sao đen, mạch môn 120g bỏ tâm, bá tử nhân 120g sao vàng, viễn chí 40g, thạch xương bồ 40g, ngũ vị tử 40g sao mật, sơn dược 40g sao vàng, khiếm thực 40g sao.
Thục địa nấu cao hòa với mật ong, các vị còn lại sấy khô tán bột, làm hoàn mềm, mỗi lần dùng 20g, ngày 2 lần, sáng chiều.
Thận âm dương lưỡng hư: người bệnh thể bệnh này thường không còn sức lực, hay mệt mỏi, uể oải, sợ lạnh, nhưng lòng bàn chân, bàn tay mát lạnh miệng cổ họng khô, thường chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi, đi tiểu trong mà dài, đái rắt…; mặt bộ xích tế nhược. Nam giới mắc chứng bệnh này ngoài việc bị dương nuy còn bị di tinh, hoạt tinh, tinh trùng thiếu và yếu khó có con.
Dùng bài: Tráng dương cố bản địa hoàng gia giảm: thục địa 1.200g nấu cao, hoài sơn 240g (sao vàng), sơn thù 240g tẩm rượu sao, phục linh 160g tẩm sữa sấy khô, lộc nhung 120g, lộc giác giao 160g, phá cố chỉ 160g tẩm muối sao, ngũ vị tử 80g tẩm mật sao, câu kỷ tử 320g, trạch tả 120g sao muối, phụ tử 60g, nhục quế 60g.
Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân nên; ăn uống điều độ ngày 3 bữa, buổi chiều không nên ăn nhiều, hạn chế ăn hành, ớt, tỏi, tiêu, hẹ, mắm, kho; không nên thức khuya, hạn chế tối đa rượu bia, thuốc lá, thuốc kháng sinh.
Người bệnh dùng bài thuốc đúng bệnh của mình nhiều khả năng sẽ phục hồi được “bản lĩnh” hơn nữa lại dồi dào “tinh binh” để có thể sinh con nếu muốn.