Quang Vinh thích mê bánh dây thủ công, sợi dai, thơm mùi hẹ, chấm nước cá ngừ tại một quán lâu năm ở Dốc Lết.

Ghé tiệm bánh dây chị Sáu Phượng trong chuyến vi vu Dốc Lết mới đây, Quang Vinh kể đã ăn một lúc hai đĩa. Lần đầu thưởng thức, anh khen món này ngon, vừa đẹp mắt vừa lạ miệng. Cách chế biến của món ăn cũng khiến anh thích thú.

Chị Phượng, chủ quán, là thế hệ thứ ba của gia đình bán bánh dây. Trước kia, quán không có biển hiệu, chỉ dân địa phương mới biết. Sau khi nối tiếp nghề của mẹ, chị Phượng đặt một tấm bảng nhỏ trước quán cho du khách dễ nhận biết. Quán bán duy nhất món bánh dây được chế biến thủ công hoàn toàn. Thực khách có thể vừa ăn, vừa xem chị làm bánh. Thành phần món ăn đơn giản, gồm bột gạo và cá ngừ.



a
Đĩa bánh dây của Quang Vinh.

Không rõ nguồn gốc tên món ăn từ đâu. Nhiều người cho rằng sở dĩ nó được gọi là “bánh dây” vì lúc làm bánh, nó trông giống sợi dây. Bột gạo nguyên chất được pha sền sệt, cho vào một mảnh vải do chị Phượng tự chế. Sau đó, chị túm chặt miếng vải lại, nặn từng sợi bột lên các khay tre. Mỗi khay khoảng 3 – 5 miếng bánh dây nhỏ rồi đem đi hấp cách thủy. Bánh chín sẽ trong lại, nhìn hơi giống sợi bánh canh bột lọc nhưng mảnh hơn. Khi có khách gọi món, chị gỡ từng miếng bánh nhỏ, xếp lên đĩa. Tiếp đến, chị quết lớp dầu hẹ lên trên. Dầu hẹ giúp món ăn thơm, bóng mướt và béo hơn.

Bánh ăn kèm chén nước chấm nấu từ cá ngừ mà dân địa phương gọi là “nấu mẳn”. Nấu mẳn không phải món kho, cũng không là canh. Nó nằm giữa hai món đó. Chị Phượng cho thêm vào nước chấm một muỗng dầu hẹ và nước mắm chanh chua chua, mặn mặn tạo nên thứ đồ chấm mang hương vị đặc biệt. Một chút xoài sống bào sợi giúp đỡ ngấy.



a
Chị Phượng làm từng miếng bánh dây.

Một đĩa bánh giá 10.000 đồng, gồm 16 cái bánh nhỏ khá đầy đặn. Sợi bánh dây dai dai, ăn nguội ngon hơn nóng. Theo chị Phượng, bánh sau khi lấy ra khỏi khay nên để khoảng 10 – 15 phút cho có độ dai, ăn mới hấp dẫn. Bên cạnh đó, cá ngừ tươi, béo khiến món ăn tròn vị hơn. Chị Phượng kể nhiều người địa phương đi xa vẫn thích món này nên hay mua mang theo. Bánh có thể để qua đêm. Tuy nhiên, muốn mang đi xa thì bột phải được ủ khoảng hai ngày, cấp đông trước khi đóng gói.

Hiện do cách làm bánh khá cực, không nhiều người bán món này. Ở Dốc Lết, gần như chỉ mình chị Phượng vẫn duy trì nghề của gia đình. Quán nằm gần chùa Long Hà, mỗi ngày bán từ 13 đến khoảng 17h là hết.



a
Gian bếp của chị Phượng.

Theo Diệp Tử (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link