Giá thành đắt hơn mặt bằng chung thị trường, xe chè gia truyền ba đời nhà ông Sơn giữ chân thực khách bởi vị ngon quyến luyến, độ ngọt vừa vặn và những cuộc chuyện trò về ẩm thực người Hoa.

Đều đặn mỗi ngày, lúc thành phố lên đèn, anh em ông Sơn – ông Hưng lại kéo xe chè ra trước cửa ngôi nhà ở mặt đường quận 1, TP HCM mở bán. Ông Sơn (người trong ảnh) cho biết thương hiệu gia đình ông đã duy trì ba thế hệ. Đầu thập niên 1990, anh em ông bắt đầu tiếp quản.

Được đặt theo tên ông chú (ông trẻ) của ông Sơn – người đầu tiên bán quán, tiệm chè xưa kia nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Từ sau 1975, do gia đình ông chuyển về đường Nguyễn Thái Bình sinh sống, quán cũng dời về đây.

Một tay ông Sơn chế biến nguyên liệu và nấu chè. Công việc bắt đầu lúc 12h trưa mỗi ngày và tốn khoảng bốn tiếng. 18h30, ông Hưng mở hàng. Chừng hai tiếng sau, ông Sơn thay em đứng quán đến gần nửa đêm. Nhiều năm buôn bán, ông Sơn có định lượng riêng cho xe hàng của mình, áng chừng đủ bán 5-6 tiếng.

Ông Sơn và ông Hưng dùng các loại nồi inox chia ngăn để đựng nhiều loại chè gồm hạt sen, đậu xanh, đậu đỏ, nhãn nhục, trứng trà, trứng bột báng. Bên dưới có bếp để giữ chè luôn nóng sốt. Các món ăn kèm như hạt ý dĩ, táo đỏ, củ sen, củ năng, thốt nốt… được đựng bằng bát tô thủy tinh loại nhỡ. Dưới ánh đèn vàng, từng món tươi ngon, bóng bẩy, hút mắt. Riêng hạnh nhân được nấu theo khuôn và trữ lạnh trong thùng đá.

Là người Hoa gốc Triều Châu (người Tiều), gia đình họ bán các món chè theo khẩu vị và phong tục của dân tộc mình. Các loại đồ ăn kèm không nhiều nhưng đủ để kết hợp thành hơn 10 loại chè cho khách lựa chọn.

Hạt ý dĩ trắng dẻo tốt cho hô hấp là một vị thuốc quen thuộc của người Hoa. Mỗi tuần, ông Sơn ghé chợ Bình Tây, quận 6 mua nguyên liệu đủ nấu chè cho 7 ngày. Thói quen này ông duy trì 32 năm nay.

Phổ tai (một loại rong biển) ăn mát, cắn giòn sần sật là thứ không thể thiếu trong mỗi ly chè sâm bổ lượng. Theo giải thích của ông Sơn, người Tiều chú trọng chăm sóc sức khỏe bằng ẩm thực. Do đó, nhiều nguyên liệu nấu ăn đều là các vị thuốc đông y. Chẳng hạn củ sen có tác dụng lưu thông máu, kiểm soát huyết áp, tốt cho tiêu hóa thường được dùng để nấu chè.

Chiều ý khách, ông Sơn thường múc chè theo yêu cầu kết hợp của từng người. Trái lại, ông Hưng khó tính hơn, đòi hỏi ăn chè đúng điệu người Hoa.

Đã nhiều lần ghé quán nhưng chị Dương (quận 1) vẫn ngỡ nàng vì một lần bị chủ quán ‘mắng’, khi chọn topping không chuẩn vị. Nhưng nhờ vậy, chị lĩnh hội thêm văn hóa ăn uống của người Tiều tại Việt Nam. Theo lời khuyên của ông Sơn và ông Hưng, chè đậu xanh nên ăn kèm hạt sen, bạch quả hoặc củ năng; món trứng trà có thể kết hợp hạt sen. ​

​​​​​​Trứng trà (chè hột gà trà) gây ấn tượng bởi màu nâu cánh gián và gây thương nhớ bởi phần nước thơm mùi trà. Ông Sơn cho biết người Việt Nam giờ không còn ăn ngọt như xưa, do sợ mập và bệnh. Để đáp ứng thực khách, ông giảm độ ngọt khi nấu, nhưng giữ nguyên công thức gia truyền.

Chè trứng bột báng làm thực khách tò mò, nhầm tưởng là một loại súp. Từ Long Thành, Đồng Nai lên TP HCM có công việc, chị Hương ngang qua quán của ông Sơn, thấy xe chè đặc biệt nên ghé dùng thử. Chị cho biết hai món chè trứng rất thú vị, không bị tanh mùi trứng.

Chè sen có nước thơm bùi, hạt ninh nhừ, ăn kèm bạch quả dẻo mịn là lựa chọn xứng đáng cho những ngày trời nóng. Ngay cả khi ăn nóng, chè thanh mát, không gây ngấy vì ngọt.

Sâm bổ lượng (chè thập cẩm) là món đắt khách nhất quán. Chủ quán kể tối nào xe chè cũng tấp nập khách, ngày thường đã đông, cuối tuần càng đông. Lúc cao điểm, người ăn ngồi kín một góc vỉa hè, người bán tay không ngơi nghỉ. Nhiều người ăn hai, ba ly để nếm thử nhiều vị chè một lúc. Chiếc xe bán chè được truyền lại hơn 6 thập kỷ, lưu giữ phong cách vẽ biển hiệu của Sài Gòn xưa.

Ghé quán của anh em ông Sơn – ông Hưng, nhiều người không đơn thuần ăn chè giải khát, mà còn tìm kiếm trải nghiệm ẩm thực đặc sắc. Họ thích quan sát chủ quán tay thoăn thoắt múc chè, cầm chiếc kẹp bé xíu gắp từng nắm phổ tai, ý dĩ hay từng miếng củ sen thả vào ly, vào bát.

Là khách ruột của quán, chị Mỹ Anh (Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) cho hay: ‘Tôi thích nghe các chú chuyện trò về nghề nấu chè, về lối ăn uống của người Hoa. Đó là điều tôi không tìm thấy ở những quán khác. Vị chè ở đây cũng có chất riêng, lại có thể điều chỉnh độ ngọt bằng nước lá dứa, phù hợp những người ăn ít ngọt như tôi. Mấy năm nay, tôi chỉ ăn duy nhất quán này’.

Nghe bạn bè kể về xe chè người Tiều này đã lâu, vợ chồng chị Trân – anh Sang (quận 3) lần đầu ghé quán đã ưng ý thực đơn tại đây. Anh Sang nhận xét các loại đậu hạt chắc, mềm và bùi; nước chè thanh mát. Họ cũng hài lòng không gian tươm tất, sạch sẽ dù nhỏ gọn của quán.

Với giá thành dao động 40-50.000/phần chè, quán được xem là đắt hơn nhiều nơi. Nhưng thực khách đánh giá mức giá này đáng đồng tiền bát gạo và cũng bình thường ở khu trung tâm quận 1.

Những lúc ông Sơn và ông Hưng bận, em gái của họ thay thế đứng bán. Gia chủ ấn tượng nhiều thực khách trung thành với xe chè của họ từ nhỏ đến lớn, trở thành người thân quen. Có những em bé đến quán từ sớm, nhưng đòi bố mẹ chờ bằng được ông Sơn múc chè cho mới chịu ăn.

Mấy chục năm qua, anh em ông Sơn nuôi gia đình nhờ xe chè truyền thống. Họ không mở chi nhánh, cũng không truyền dạy học trò bởi muốn gìn giữ thuần chất gia đình. Tuổi gần 70, hai ông chưa nghĩ đến việc nghỉ bán bởi vẫn tìm thấy niềm vui trong những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với khách hàng.

‘Chừng nào sức khỏe cho phép, chúng tôi vẫn bán tiếp. Tôi cũng hơi buồn vì các con giờ làm nhiều ngành nghề, không nối nghiệp. Nhưng tôi tôn trọng lựa chọn của các con’, ông Sơn tâm sự.

Theo Phong Kiều (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link