PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ, bệnh không lây nhiễm hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại nước ta. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh không lây nhiễm, trong đó có chế độ dinh dưỡng không hợp lý như: Ăn ít rau, trái cây, ăn nhiều đạm, uống ít nước, lười hoạt động thể lực, đặc biệt là ăn quá nhiều muối. Hiện trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 9,5gr muối/ngày, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của WHO. Trong khi ăn mặn thường xuyên sẽ làm loét dạ dày, tá tràng, suy thận, tăng huyết áp, gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ. Thậm chí, ăn quá nhiều muối còn gây ra loãng xương, ung thư dạ dày và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Thạc sĩ Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, để giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày phải thay đổi thói quen từ chính các bà nội trợ. Đơn cử như trong một bát cơm trắng cung cấp 258 kcal cũng có sẵn 0,01gr muối, một suất cơm, gồm: Thịt nạc và đậu phụ cung cấp 760 kcal cũng có lượng muối lên tới 5,15gr… Thế nhưng, ngoài việc cho thêm gia vị, nước mắm, muối… trong quá trình chế biến, mỗi bữa ăn của người Việt còn được bổ sung thêm nước chấm, nước tương (xì dầu), muối tiêu… Điều đó khiến cho các món ăn đã có sẵn lượng muối nhất định lại được bổ sung thêm lượng muối từ các loại nước chấm bên ngoài.
Để bảo đảm sức khỏe, phòng tránh bệnh tật, PGS.TS Trương Tuyết Mai khuyến cáo, người trưởng thành nên sử dụng dưới 5gr muối/ngày, trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi chỉ dùng 1gr-2gr muối/ngày. Khi nấu ăn nên giảm bớt lượng muối, giảm các món ăn mặn, hạn chế chấm thêm nước mắm, gia vị bên ngoài. Thậm chí, nên pha loãng bát nước mắm trước khi ăn hoặc hạn chế để bát nước mắm, muối trên bàn ăn.