Ăn ít cơm, ăn cơm nguội và thêm giấm khi ăn là những cách giúp người Nhật kiểm soát đường huyết.

Theo Fan Zhihong, phó giáo sư tại Trường Khoa học Thực phẩm và Kỹ thuật Dinh dưỡng thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nguyên nhân gây bệnh tiểu đường rất phức tạp và bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Những người có cha mẹ và người thân mắc bệnh tiểu đường cũng đối diện nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, một chế độ ăn uống không hợp lý, tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Một trong số những thực phẩm dễ làm tăng nguy cơ tăng đường huyết là cơm trắng. Cơm trắng đã được xay xát kỹ thường ít chất xơ và có chỉ số đường huyết cao, khi ăn vào sẽ được cơ thể tiêu hóa nhanh, đồng thời khiến lượng đường trong máu tăng nhanh hơn.

Theo thống kê, Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới khi có 110 triệu người mắc bệnh tiểu đường và 490 triệu người mắc bệnh tiền tiểu đường. Trung bình cứ 10 người Trung Quốc thì có một người mắc bệnh tiểu đường và 5 người mắc bệnh tiền tiểu đường. Trong khi đó, thống kê khảo sát của Nhật Bản cho thấy có 10 triệu người mắc bệnh tiểu đường và 10 triệu người tiền tiểu đường. Với dân số 120 triệu người, trung bình cứ 13 người Nhật thì có một bệnh nhân tiểu đường và một bệnh nhân tiền tiểu đường.

Nhiều người thắc mắc vì sao con số trên lại khác nhau đến thế, trong khi gạo cũng là lượng thực chính ở hai nước này. Vậy bí quyết của người Nhật là gì?

1. Khẩu phần ăn ít

Khẩu phần ăn của người Nhật khá ít, ngoài ra, họ thường ăn cơm cùng các món thanh đạm, chế biến nhẹ nhàng, hạn chế xào rán. Thói quen ăn uống lành mạnh này giúp hạn chế lượng đường trong máu tăng cao.

Nhờ bí quyết khi ăn cơm, người Nhật kiểm soát đường huyết tốt. Ảnh: Absodels
Nhờ bí quyết khi ăn cơm, người Nhật kiểm soát đường huyết tốt. Ảnh: Absodels

2. Ăn cơm để nguội

Trong khi người Trung Quốc thích ăn cơm khi còn nóng, người Nhật chủ yếu ăn cơm ở dạng cơm nguội như sushi, cơm nắm. Theo bác sĩ trưởng Zheng Peifen, giám đốc Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Chiết Giang, phân tử tinh bột trong cơm nguội tập hợp lại với nhau và tạo ra nhiều tinh bột kháng hơn. Khi đến ruột kết, nó hoạt động giống như chất xơ và nuôi “vi khuẩn tốt” trong cơ thể. Chính cách ăn này khiến lượng đường trong máu không tăng quá nhanh, giúp ổn định đường huyết.

3. Thêm giấm vào cơm

Cơm người Nhật ăn sẽ được làm thành sushi và cơm nắm, hạt gạo được ngâm trước trong giấm, sau đó rưới giấm sushi trước khi ăn. Axit axetic trong giấm có thể ức chế hoạt động của amylase (một trong những enzyme quan trọng nhất của quá trình tiêu hóa thực phẩm, giúp phân hủy tinh bột thành đường) và làm chậm quá trình chuyển hóa tinh bột thành glucose. Thêm giấm có thể khiến lượng đường trong máu tăng chậm hơn.

Ăn cơm thế nào để giảm nguy cơ tăng đường huyết?

Ruan Quangfeng, thành viên Chi nhánh Truyền thông Y tế thuộc Hiệp hội Y tế Dự phòng Trung Quốc, chỉ ra rằng mặc dù ăn cơm thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, không có nghĩa là bệnh nhân tiểu đường hoàn toàn không thể ăn cơm. Muốn ăn cơm lành mạnh, bạn nên làm những điều sau:

– Hạn chế nấu cơm quá mềm

Cơm mềm tuy ngon nhưng cũng dễ tiêu hóa hơn, dễ làm lượng đường trong máu tăng nhanh sau bữa ăn. Vì thế, không nên nấu cơm quá mềm.

– Thêm gạo lứt và đậu nguyên hạt vào gạo

Ăn mỗi cơm nấu từ gạo trắng sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng, vì thế nên bổ sung thêm gạo tím, gạo đen, gạo lứt, đậu xanh, đậu đỏ và các loại ngũ cốc thô hay đậu khác vào cơm để giảm phản ứng đường huyết.

– Nên ăn cơm trong ngày và tránh hâm nóng nhiều lần

Đun nhiều lần sẽ khiến cơm mềm hơn, dễ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Ăn cơm nấu trong ngày là tốt nhất cho sức khỏe.

Theo Hướng Dương (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link