Các hoạt động thể dục thể thao hay rèn luyện thể chất cũng giống như việc dùng thuốc. Nếu chúng ta sử dụng chúng ở liều lượng đúng đắn, chúng sẽ phát huy tác dụng tích cực và mang lại lợi ích cho cơ thể chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tập luyện quá sức hoặc không điều độ, chúng có thể phản tác dụng.
Mỗi người có một sức đề kháng và giới hạn tập luyện khác nhau. Một chế độ tập luyện quá sức với người này lại có thể chỉ bình thường đối với người khác. Do vậy, mỗi người chúng ta cần phải tìm ra được chế độ tập luyện thể dục thể thao vừa sức và phù hợp nhất với mình để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch một cách tối ưu.
Giúp tăng cường hệ miễn dịch
Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng từ 60 – 90% những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư ít bị cảm lạnh hơn so với những người không rèn luyện thể chất – theo kết quả khảo sát của Hội đồng quản lý Sức khỏe, Thể dục Thể thao và Dinh dưỡng Hoa Kỳ (PCFSN) công bố vào tháng 6/2001.
Tiến sĩ Mark Jenkins – một thành viên tham gia cuộc nghiên cứu đến từ Đại học Rice – khẳng định rằng một chế độ luyện tập thể dục thể thao điều độ chính là một cách thức hiệu quả để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, và điều này “đặc biệt thể hiện rõ ràng hơn ở người lớn tuổi. Rèn luyện thể chất điều độ có tác dụng giúp hạn chế quá trình suy giảm hệ miễn dịch do sự lão hóa gây ra”.
Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định việc tập luyện thể dục thể thao mang lại lợi ích cho cả cơ thể và bộ não, gia tăng hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch và giúp chúng ta phòng chống bệnh ung thư. Công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ Trung tâm Y Tế của Đại học Nebraska và Viện Điều trị Ung thư thuộc Đại học Northern Colorado vào năm 2012 đã phát hiện ra một hiện tượng thú vị ở những bệnh nhân đã điều trị ung thư thành công. Trong quá trình điều trị, nhóm bệnh nhân này được yêu cầu tham gia một lớp học thể dục đều đặn kéo dài suốt 12 tuần. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng trong cơ thể của những bệnh nhân này chứa một lượng lớn tế bào T – một loại tế bào đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể – giúp họ có sức đề kháng bệnh tật tốt hơn những người khác sau khi hoàn tất chương trình học thể dục.
Tiến sĩ y khoa Laura Bilek – một thành viên của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nebraska – nhận định kết quả nghiên cứu như sau: “Thông qua các hoạt động rèn luyện thể chất, chúng ta có thể loại bỏ những tế bào T không còn có ích cho cơ thể và tạo không gian cho những tế bào T thực sự có tác dụng bổ trợ hệ miễn dịch”. Quả thực, nếu các hoạt động thể dục thể thao có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và có tiềm năng trong việc giúp con người tầm soát bệnh ung thư hiệu quả hơn, “chúng ta có thêm một lý do chính đáng và thiết thực để thuyết phục người dân tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất nhiều hơn nữa, thậm chí xem chúng như một trong những ưu tiên hàng đầu của cuộc sống” – tiến sĩ Bilek nhấn mạnh.
Không nên thực hiện các hoạt động thể dục thể thao cường độ cao liên tục vượt quá 90 phút trong mỗi lần tập
“Luyện tập vừa đủ – đừng quá sức!”
Tuy nhiên, PCFSN cũng cảnh báo rằng chúng ta không nên thực hiện các hoạt động thể dục thể thao cường độ cao liên tục vượt quá 90 phút trong mỗi lần tập. Về lâu dài, việc tập luyện quá sức và không khoa học có thể dẫn đến những sự thay đổi bất ổn trong các tế bào thuộc hệ miễn dịch, chẳng hạn như thay đổi về mặt số lượng hoặc chức năng của bạch cầu, kháng thể, và những chất sinh hóa như cytokine.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Mark Jenkins, trong vòng từ 3 – 72 giờ sau một lần luyện tập quá sức, cơ thể chúng ta rơi vào một trạng thái giống như “một ngôi nhà với toàn bộ cửa sổ mở toang, khiến cho virút và vi khuẩn dễ dàng thâm nhập, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lâm sàng và cận lâm sàng, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường hô hấp trên”, Jenkins diễn giải.
Lối sống lành mạnh – chìa khóa nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch
Các hoạt động rèn luyện thể chất quả thực giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch và có sức khỏe tốt hơn – nếu chúng ta luyện tập với tần suất và cường độ vừa đủ và phù hợp với cơ thể của mình. Để làm được điều này, tiến sĩ Jenkins khuyên chúng ta cần theo dõi quá trình luyện tập của mình, đảm bảo rằng cơ thể của mình không phải hoạt động hoặc kéo giãn quá sức chịu đựng thông thường. Hãy ghi nhận cảm giác của cơ thể sau mỗi lần tập luyện: “Bạn cảm thấy thư thái hơn sau khi tập luyện, hay các bài tập đang khiến bạn mệt mỏi và căng thẳng hơn bình thường?”. Hãy điều chỉnh lại chế độ hoặc chương trình tập luyện của mình nếu bạn không cảm thấy thư giãn hoặc thoải mái giữa các lần tập. Bên cạnh một chế độ tập luyện linh hoạt, Jenkins đề xuất chúng ta ghi chú nhịp tim của mình vào mỗi buổi sáng. Nếu nhịp tim có dấu hiệu tăng dần mỗi ngày, nhiều khả năng cơ thể bạn đang vận động quá sức.
Theo các chuyên gia thuộc Khoa Y Đại học Harvard, thói quen rèn luyện thể chất là một bộ phận quan trọng cấu thành lối sống lành mạnh – chìa khóa thực sự giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch cũng như khả năng đề kháng bệnh tật của cơ thể. Cụ thể hơn, bên cạnh việc rèn luyện thể chất, chúng ta cần phải:
– Không hút thuốc.
– Thực hiện một chế độ ăn khoa học, đủ chất và ít dầu mỡ.
– Duy trì cân nặng và vóc dáng cân đối.
– Không lạm dụng đồ uống có cồn: nếu công việc của bạn đòi hỏi bạn phải thường xuyên tham gia các buổi tiệc tùng có rượu hay bia, hãy uống chừng mực và có kiểm soát.
– Ngủ đủ giấc.
– Khám sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh tật.
– Thực hành những nếp sinh hoạt tốt giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như thường xuyên rửa tay trước và sau khi ăn, ăn chín uống sôi…