Ảnh hưởng đến sự cân bằng thính giác
Một số người thích nghe nhạc với âm thanh lớn khi tập gym. Mang tai nghe không ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng của cơ thể nhưng nghe âm thanh lớn trong thời gian dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thống tiền đình nằm ở sau ốc tai, theo Health24.
Tiền đình vốn chịu trách nhiệm cho khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. Khi tiền đình bị tổn thương, các hoạt động tập luyện như chạy bộ hay đạp xe, kể cả trên máy hay ngoài đường lộ, sẽ trở nên nguy hiểm, đặc biệt là ở những nơi giao thông mật độ cao. Tiền định gặp vấn đề khiến cơ thể khó giữ thăng bằng, dễ bị té và gây thương tích.
Ngoài ra, thính giác cũng sẽ bị suy giảm nếu nghe nhạc bằng tai nghe một cách thường xuyên và trong thời gian dài.
Hạn chế chuyển động cơ thể
Tập luyện với tai nghe có dây nối quá dài hoặc quá ngắn đều gây hạn chế chuyển động cơ thể. Dây nối tai nghe dài sẽ gây vướng víu, trong khi dây ngắn sẽ khiến người tập hơi rướn cổ để tai nghe không bị văng khỏi tai khi tập luyện.
Các chuyên gia lưu ý mọi người nên tìm mua những tai nghe có chiều dài phù hợp hoặc loại tai nghe kết nối không dây.
Làm phân tâm khi tập
Nghe nhạc sẽ khiến cơ thể dễ bị phân tâm và mất tập trung khi thực hiện những bài tập nâng tạ nặng. Mọi người có thể nghe vài bản nhạc khi tập các bài rèn luyện sức bền như chạy bộ, đạp xe trên máy nhưng với những bài tập nặng đòi hỏi tập trung cao thì không nên mang tai nghe.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng tai
Rất hiếm ai có thói quen vệ sinh tai nghe. Khi tiếp xúc với môi trường nhiều vi khuẩn trong phòng tập, tai nghe rất có thể là nơi lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi nảy nở, tăng rủi ro nhiễm trùng tai.
Do đó, mọi người cần làm sạch tai nghe thường xuyên. Với những người có thói quen mang theo túi đựng dụng cụ tập luyện thì nên để tai nghe trong một hộp riêng, chứ không nên ném chung với giày hoặc quần áo dính đầy mồ hôi, theo Health24.