Lúc thì giải thích cho các con kỹ năng phòng chống chấn thương, lúc thì tư vấn cho phụ huynh các vấn đề về dạy cho con các hoạt động thể chất phù hợp với đời sống hiện đại, đó chính là HLV – tình nguyện viên của chương trình: chị Tuyết Nga.
Võ Thị Tuyết Nga – nghệ danh Phi Nga xuất thân là một nghệ sĩ xiếc đầy tài năng và bản lĩnh. Cuộc đời của một người nghệ sĩ từng đoạt HCV Liên hoan xiếc toàn quốc năm 1987 này trãi qua khá nhiều khó khăn, chị nhận ra giá trị của cuộc sống chính là lan tỏa niềm vui, hạnh phúc đến với mọi người…
“Nữ hoàng” đoàn xiếc Long An
Võ Thị Tuyết Nga sinh năm 1969 tại mảnh đất Quảng Bình. Chị lớn lên cùng gia đình trong bối cảnh chiến tranh còn đe dọa đất nước. Hòa bình lập lại, chị theo chân gia đình Nam tiến, chọn mảnh đất Long An làm nơi gắn bó của cuộc đời.
Từ nhỏ chẳng giống với những bé gái khác, chị Nga luôn luôn tràn đầy năng lượng, luôn vận động, nghịch ngợm và thích chạy nhảy. Sự đặc biệt của chị sớm được gia đình nhìn thấy. Cha của chị quyết định cho chị theo nghiệp thể thao, mà khởi đầu là môn bơi lội.
Ở vùng đất mới, nhờ bơi lội mà chị quen biết được nhiều bạn bè hơn, đỡ cô đơn nơi đất khách quê người. Cũng nhờ tập luyện thể thao mà những tố chất năng động, hoạt bát đặc biệt nơi cô gái trẻ lúc đó dần dần được bộc lộ.
1983, Đoàn xiếc nhân dân Long An – đoàn xiếc duy nhất của ĐB Sông Cửu Long được thành lập từ cái nôi là các nghệ sĩ xiếc Trung ương và tổ chức thi tuyển diễn viên xiếc. Xiếc là một môn nghệ thuật nguy hiểm nhưng lại rất hấp dẫn nên có rất đông khán giả ưa thích và đón nhận ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, môn nghệ thuật này lại chưa được phổ biến. Ở thời điểm đó, phải may mắn lắm mới có cơ hội xem được một đoàn xiếc biểu diễn. Với những người bình dân thời đó, đoàn xiếc là cả một thế giới giải trí phong phú đầy sắc màu.
Chị Nga biết tin đoàn xiếc thành lập cũng xin gia đình thi thử và được đồng ý. Chị chia sẻ: “Thời đó tôi không biết gì về xiếc hết, chỉ là tôi thích bay nhảy, tôi cũng là người năng động nên quyết định thi thử. Vào đó người ta bắt làm gì thì mình làm nấy, người ta bắt nhảy thì nhảy, bắt lộn thì lộn để người ta xem tướng có phù hợp hay không. Cuối cùng, tôi được nhận vào đoàn xiếc. Thật sự lúc đó rất sung sướng”.
Đến với đoàn xiếc năm 14 tuổi, chị Nga được những người trong đoàn giúp đỡ nhiệt tình. Chị Nga lại là người ham học, dễ tiếp thu, sẵn với những phẩm chất vốn có chị ngày càng tiến bộ và nhanh chóng trở thành một thành viên chủ chốt của đoàn.
Chị nói: “Vào đó, tôi học cơ bản rất nhanh. Chỉ cần nắm được căn bản thì bài biểu diễn nào cũng có thể làm được”. Tuyết Nga giờ đây đã là một nghệ sĩ xiếc thực thụ và đầy tài năng. Chị chọn cho mình nghệ danh Phi Nga để tiếp tục theo con đường nghệ thuật.
Dấu ấn lớn nhất của chị đến vào năm chị 18 tuổi. Năm 1987, chị cùng đoàn xiếc của mình lên đường đến Thủ đô Hà Nội để tham dự liên hoan xiếc. Ở thời điểm đó, những đoàn xiếc ở miền Bắc luôn có cho mình những nghệ sĩ xuất sắc và tài năng. Tuy nhiên, người nghệ sĩ xiếc mang tên Phi Nga đã làm được một điều mà chưa nghệ sĩ xiếc miền Nam nào làm được. Phi Nga đã có những màn biểu diễn hơn cả tuyệt vời để mang về tấm HCV ở nội dung đu vòng đôi nữ.
Với một cô gái mới 18 tuổi, thành tích trên quả thật phi thường. Ở độ tuổi 18, thay vì có một cuộc sống bình thường, Phi Nga chọn cho mình cách hằng ngày tập luyện miệt mài với hy vọng duy nhất là mang niềm vui đến cho khán giả. Những nguy hiểm, khó khăn, có chăng cũng chỉ là động lực để người nghệ sĩ xiếc như Phi Nga nổ lực, phấn đấu hơn mà thôi.
Với chị, xiếc bây giờ đã ngấm vào trong tim, đó là tình yêu không thể nào thay thế, chị chọn đánh đổi mọi thứ để được sống với tình yêu của mình. Chị cùng Đoàn xiếc nhân dân Long An rong ruổi khắp nơi, đến tận những vùng sâu vùng xa chỉ để diễn phục vụ cho bà con thậm chí là không bán vé. Chị chia sẻ chỉ cần nhìn thấy mọi người vui, ủng hộ là chị đã cảm thấy hạnh phúc.
Cuộc đời một người nghệ sĩ xiếc đi rất nhiều nơi, trải qua rất nhiều thăng trầm, gian khó đã để lại trong lòng chị Nga những kỉ niệm khó phai. Chị kể: “Kỉ niệm khiến tôi nhớ nhất khi còn ở đoàn xiếc là khi chúng tôi sang Campuchia diễn phục vụ vào năm 1987. Thời điểm đó, nước bạn vẫn chìm trong bất an vì Khmer đỏ hàng ngàn người đã chết vì bệnh tật và thiếu đồ ăn nhưng người dân vẫn yêu nghệ thuật. Đoàn chúng tôi đến ai cũng đón chào, đáp lại mỗi ngày tôi cùng anh chị em trong đoàn diễn từ 3 đến 5 suất để phục vụ. Sau 10 giờ đêm ở đó là giờ giới nghiêm, chúng tôi ở tại Phnompenh. Ai cũng sợ, nhưng rất vui”.
Tuy nhiên, dẫu cho yêu nghề đến mấy, người nghệ sĩ xiếc chẳng thể mãi gắn bó vì kẻ thù mang tên “thời gian”. Tuổi nghề là có hạn, người nghệ sĩ xiếc cũng chẳng giữ được mãi sự dẻo dai, khéo léo trước sự tàn nhẫn của tháng năm. Chị Nga cũng vậy, cũng đến một lúc chị phải rời đoàn xiếc của mình.
Người nghệ sĩ giàu lòng yêu thương
Rời xa nghề mà mình đã gắn bó hơn chục năm hẳn là điều không ai muốn. Nhưng người nghệ sĩ luôn hiểu về quy luật tất yếu của thời gian và phải tìm cho mình một con đường riêng. Chị Nga lập gia đình và có hai người con sau đó. Chị chọn cách cùng chồng nuôi dạy con cái và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình. Với chị, thanh xuân được vui đùa thỏa thích, được đắm say và điên cuồng với đam mê diễn xiếc trên sân khấu là những điều vô cùng tuyệt vời. Nhưng rồi, một gia đình, một mái ấm cùng những đứa con và người chồng là bến dừng chân hạnh phúc. Bấy nhiêu thôi đã quá đủ để không phải luyến tiếc.
Xa gánh xiếc, chị làm thêm nhiều nghề để kiếm sống và chăm lo gia đình. Chị nói gia đình không giàu có nên phải nỗ lực thật nhiều, phải đứng trên đôi chân của mình và phải trở thành những người giúp ích được cho xã hội.
Chị đã ngày ngày dạy cho những người con của mình về những điều hay mà chị đã trải qua trong cuộc sống để giúp con thêm phần thấu hiểu, cảm thông. Không phụ lòng của chị, cả hai người con đều đã nỗ lực hết mình để rồi họ được đền đáp bằng học bổng toàn phần du học nước ngoài. Trong ánh mắt của người mẹ không giấu nổi vẻ tự hào khi kể về con.
Với chị Nga, từ lúc còn trong đoàn xiếc hay kể cả bây giờ, điều làm chị vui nhất vẫn là sống một cuộc sống có ích cho xã hội. Chị nghĩ cuộc đời với chị như thế đã tươi đẹp lắm rồi và trách nhiệm của chị là phải lan tỏa những điều tốt đẹp như thế.
Chị Nga chọn cách đi giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn hơn như cái cách ngày xưa đi diễn phục vụ cho bà con. Bây giờ, mỗi tuần, mỗi tháng chị đều đi đến những miền thật xa để giúp đỡ, tư vấn cho những người khó khăn. Chị tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ người già và trẻ em, phát quà, tư vấn sức khỏe.
Đi đến đâu, chị Nga cũng được chào đón. Sự tận tình, chân thành của chị được đáp lại bằng tình cảm quý mến của mọi người. Chị chia sẻ: “Tôi muốn dùng kinh nghiệm nuôi dạy con của mình để chia sẻ lại cho những người khác. Đi nhiều, tôi gặp rất nhiều trường hợp, từ những đứa trẻ ngỗ nghịch hay tự kỉ, cho đến những người già không biết cách chăm sóc cho bản thân. Tôi đều sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình, chia sẻ cách dạy con cho đến cách sống vui sống khỏe đến mọi người. Tôi muốn đi thật nhiều nơi, không chỉ bây giờ mà còn sau này nữa. Ngày nào còn người muốn giúp đỡ, tôi sẽ còn đi”.
Gần đây, chị Nga tham gia tư vấn, huấn luyện tại chương trình võ thuật đặc biệt cho trẻ em Saigon Kid Warriors. Với kinh nghiệm trong đoàn xiếc của mình, chị muốn giúp đỡ các chiến binh nhí của chương trình hoàn thiện những kỹ thuật, có được sự dẻo dai và bền bỉ. Bên cạnh đó, với mong muốn giúp đỡ cho sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ em, chị sẵn sàng trở thành một người bạn với các em nhỏ hiếu động hay quá rụt rè. Với chị, giúp các em tìm được niềm vui là điều khiến chị cảm thấy ấm áp.
Tất cả những việc chị Nga đã làm trong suốt những năm vừa qua đều bắt nguồn từ cái tâm, từ tình yêu của con người dành cho nhau. Chị không nhận bất cứ khoản tiền thù lao nào. Với chị, tiền không phải là điều chị muốn mà quan trọng hơn cả vật chất chính là niềm vui, là sự hạnh phúc mà chị ngày ngày lan tỏa đến khắp nơi. Thứ chị nhận được là tình yêu là sự bình yên trong cuộc sống. Dẫu đã bước qua tuổi 50 nhưng chị vẫn sẽ không dừng lại.
Một nữ nghệ sĩ xiếc bôn ba khắp nơi cùng công việc nguy hiểm để rồi trở thành một con người thiện nguyện. Những chuyến xe vẫn đưa chị đi khắp mọi miền Tổ quốc. Nơi đâu chị đến, nơi đó có niềm vui.