Dù mang lại hiệu quả về mặt cân nặng cũng như vóc dáng, các chế độ ăn kiêng đặc biệt đều chỉ nên áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định.
Sau 4 tuần áp dụng chế độ ăn Low Carb, chị P.T.Q.T. (30 tuổi, nhân viên ngân hàng, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) giảm được 7 kg.
Hài lòng về mức cân nặng sau khi ăn kiêng thành công, chị quyết định trở lại với cuộc sống trước đó. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, cân nặng của chị T. có dấu hiệu tăng nhanh trở lại.
“Tôi đã có suy nghĩ hối hận vì bản thân dừng ăn kiêng quá sớm. Nhưng ngược lại, việc theo đuổi chế độ ăn này khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi không nghĩ mình có thể ăn như vậy đến cuối đời”, chị T. tâm sự.
Hiệu quả của những chế độ ăn kiêng
Theo trao đổi, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng để quá trình giảm cân bền vững và an toàn nhất, việc cân bằng các chất dinh dưỡng vẫn là phương án tối ưu.
“Xét về dinh dưỡng, chúng ta có 3 nhóm chất sinh năng lượng là carbohydrate (tinh bột, đường), protein (đạm) và chất béo. Ngoài ra còn nhóm thứ 4 là vitamin, khoáng chất. Để giảm cân hiệu quả và an toàn, nguyên lý cơ bản là giảm tổng năng lượng nạp vào trong khi tỷ lệ các nhóm chất được giữ nguyên ở trạng thái cân bằng”, vị chuyên gia nói.
Thạc sĩ Hải khẳng định đây là phương pháp tốt nhất chúng ta cần hướng tới. Tuy nhiên, một số chế độ ăn kiêng đặc biệt cũng giúp cơ thể giảm cân, đốt mỡ nhanh hơn.
Nhưng chế độ ăn kiêng đặc biệt có thể mang tới hiệu quả giảm cân nhanh nhưng không nên áp dụng lâu dài. Ảnh minh họa: clarkdouglas.
Hiện nay, một số chế độ ăn phổ biến và được nhiều người áp dụng có thể kể tới Low Carb, Keto hay Intermittent Fasting (IF).
Trong khi Low Carb đơn thuần là giảm tỷ lệ carbohydrate trong chế độ ăn, Keto lại trở thành một phiên bản khác khắc nghiệt hơn với việc loại bỏ gần như hoàn toàn các thực phẩm cung cấp tinh bột. Mặt khác, người thực hiện Keto được phép ăn thoải mái chất béo cùng một lượng protein vừa đủ.
Khác với 2 chế độ trên, IF giúp người áp dụng giảm năng lượng nạp vào bằng cách cắt bớt bữa ăn trong ngày tùy công thức. Ví dụ một người áp dụng công thức 16:8 sẽ để bụng đói trong vòng 16 tiếng và chỉ ăn 8 tiếng mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa họ chỉ ăn bữa sáng và trưa, bỏ bữa tối.
Thạc sĩ Hải cho hay những chế độ ăn này được khá nhiều người áp dụng. Ưu điểm của chúng là có hiệu quả giảm cân, mỡ rất nhanh. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh những chế độ này không thể sử dụng lâu dài.
Tác hại khi áp dụng kéo dài
“Trong thực tế tư vấn và điều trị, tôi chỉ cho phép bệnh nhân áp dụng chế độ ăn kiêng trong một khoảng thời gian ngắn. Ví dụ với Low Carb, thời gian tối đa tôi cho người bệnh sử dụng là 2-3 tháng”, thạc sĩ Lê Thị Hải nói.
Theo vị chuyên gia, nguyên nhân là việc duy trì kéo dài các chế độ ăn kiêng đặc biệt buộc chúng ta đi ngược với sinh lý của cơ thể, từ đó gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Với Low Carb hay Keto, các chế độ ăn này gây thiếu hụt nguồn năng lượng từ carbohydrate. Đây là thành phần chính mang lại năng lượng cho não bộ hoạt động.
Đây cũng là nguyên nhân khiến người áp dụng Keto trong tuần đầu tiên thường xuất hiện hội chứng cúm Keto, gây khó chịu, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn.
“Người áp dụng Keto còn có tình trạng Ketosis, tức khi cơ thể thay thế toàn bộ năng lượng từ tinh bột bằng chất béo, chúng có thể xuất hiện tình trạng đi tiểu ra ceton, rối loạn chuyển hóa, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt”, thạc sĩ Hải cho hay.
Người áp dụng Low Carb thường nạp một lượng lớn protein trong ngày. Việc ăn đạm nhiều, kéo dài cũng có thể ảnh hưởng tới chức năng của thận, gây táo bón cùng các tác dụng phụ khác.
Trong khi đó, IF an toàn và thuận tiện hơn cho người sử dụng nhưng không phù hợp với mọi đối tượng. Cụ thể, việc phải trải qua thời gian không ăn dài khiến nhiều người có thể lực yếu không chịu được, dẫn tới hạ đường huyết, thậm chí ngất xỉu.
“Nhìn chung, những phương pháp này đều có thể áp dụng để phục vụ mục tiêu giảm cân do hiệu quả chúng mang lại. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, mọi người nên nhờ sự trợ giúp, thăm khám từ bác sĩ để đảm bảo sự an toàn”, thạc sĩ Hải khuyến cáo.
Tránh tăng cân trở lại như thế nào?
Bác sĩ Lê Thị Hải khẳng định nguy cơ tăng cân trở lại sau khi ăn kiêng là điều chắc chắn và đã xảy ra với rất nhiều người.
“Rất nhiều trường hợp đã ăn kiêng và thành công trong việc đạt cân nặng mong muốn. Tuy nhiên, sau khi bỏ chế độ ăn kiêng đó và trở về thói quen ăn uống bình thường, một số người còn có tâm lý ‘ăn bù’ để giải tỏa quãng thời gian kiêng khem, đã tăng cân trở lại, thậm chí cao hơn mức cũ”, thạc sĩ Hải cho hay.
Nhiều người tăng cân nhanh trở lại sau khi ăn kiêng thành công. Ảnh minh họa: Obi.
Theo vị chuyên gia, ngay cả trong trường hợp giảm cân bằng phẫu thuật hay dùng thuốc, sau khi ngừng liệu trình, nếu không kết hợp chế độ ăn phù hợp cũng sẽ tăng cân trở lại.
Do đó, bà nhấn mạnh sau khi áp dụng một chế độ ăn kiêng và đạt được những kết quả mong muốn, chúng ta vẫn phải duy trì mức năng lượng nạp vào phù hợp tới hết cuộc đời.
“Những người thừa cân, béo phì gần như phải ăn kiêng cả đời. Có điều chúng ta sẽ không phải áp dụng những phương pháp đặc biệt nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ ăn theo chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý hơn. Phải làm sao để năng lượng nạp vào cân bằng với năng lượng tiêu hao, tránh dư thừa, đồng thời kết hợp hoạt động thể lực”, vị chuyên gia kết luận.
Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H