Thông qua việc trang điểm tỉ mỉ, chuyên nghiệp, tóc nhuộm tạo kiểu, sơn móng, lông mày kẻ đậm, vẽ mắt màu mè và ăn mặc điệu đà như phụ nữ. Họ tự nhận mình là jendaresu-kei- những người mang phong cách “phi giới tính”.
Hiện rất nhiều người nhạo báng các jendaresu-kei nam với khuôn mặt chát đầy phấn, không bao giờ thiếu những chiếc khăn tay thơm ngát và dành nhiều thời gian làm đẹp hơn cả phụ nữ. Vẻ đẹp không tuổi của các chàng trai này thường xuyên được ca ngợi trên các tạp chí, nhưng đồng thời cũng trở là tâm điểm bị chỉ trích, bởi vì giới tính không rõ ràng và xu hướng tình dục kỳ dị khiến các jendaresu-kei thu hút cả nam giới và nữ giới mọi lứa tuổi.
“Phi giới tính” không liên quan đến giới tính thật
Có thể nói, quận Harajuku đã trở thành sàn catwalk cho cho các jendaresu-kei (những người mang phong cách phi giới tính). Đôi khi, những phụ nữ ăn mặc theo phong cách nam tính cũng được coi là “phi giới tính”. Tuy nhiên ở Nhật Bản, khái niệm ‘jendaresu-kei’ thường dành để nói về những chàng trai thích ăn mặc giống con gái và hoàn toàn không hứng thú với những bộ suit lịch lãm.
Gần đây ở Nhật còn xuất hiện thuật ngữ “soshoku danshi”, có nghĩa là “thanh niên ăn chay”, mô tả những chàng trai trẻ, tuổi 20-34, dáng người mềm mại dễ thương, thường không thích cuộc sống cạnh tranh và gánh nặng gia đình/công việc mà thích theo đuổi những việc linh tinh. Họ không thích ăn mặc nam tính, đối xử với con gái như những người bạn chứ không phải đối tượng tình dục. Các học giả bảo thủ còn gọi những người này là ‘đồ hèn nhát không đáng mặt đàn ông’.
Tuy nhiên, ngay cả những người đàn ông theo xu hướng “phi giới tính” cũng cho rằng việc họ mặc như thế nào không ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của họ. Họ vẫn cho rằng đàn ông là phái mạnh, phụ nữ là phái yếu và đàn ông có trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ phụ nữ.
Một nam người mẫu nổi tiếng theo phong cách phi giới tính tên Ryuchell nhấn mạnh rằng, những người như anh không nhất thiết phải là những người đồng tính hay chuyển giới mà chỉ cần yêu thích phong cách này là được. Những hình ảnh hay những tin tức trên trang cá nhân của Ryuchell khiến nhiều người hiểu nhầm rằng anh không phải là đàn ông đích thực. Nhưng thực chất anh vẫn lấy vợ và đang có cuộc sống hạnh phúc. Đối với Ryuchell, vẻ bề ngoài không nói lên được điều gì về bản chất thật sự bên trong một con người.
Giống như Ryuchell, Toman Sasaki cũng tự nhận mình là phi giới tính. Đánh nhẹ lớp kem nền trên gương mặt, tạo khối trên sống mũi và tô son lên môi bằng một cây chổi trang điểm nhỏ. Sau 40 phút kỳ công, cùng với bộ móng tay được điểm tô kỹ lưỡng, mái tóc dài che một phần gương mặt và giày cao gót… nhìn vào trong gương Toman hài lòng với diện mạo của mình.
Với vẻ ngoài như vậy, Toman trông khá nữ tính so với hình tượng thường thấy của một người đàn ông. Đối với nhiều người, Toman dường như đang đi ngược lại với tiêu chuẩn của xã hội Nhật Bản khi người ta phân biệt phụ nữ và nam giới thông qua trang phục thường ngày của người đó. Nhưng “Ẩn sâu bên trong, tôi là một người đàn ông”, Toman chia sẻ, và khẳng định với anh khái niệm giới tính “không thực sự cần thiết”. “Mọi người có quyền lựa chọn trang phục và bất cứ phong cách ăn mặc phù hợp với họ. Không phải là đàn ông phải làm thế này thì phụ nữ phải làm thế khác. Tôi không hứng thú với điều đó. Chúng ta cũng đều chỉ là con người mà thôi”, Toman cho hay.
Tuy nhiên, dù đi ngược với tiêu chuẩn của xã hội nhưng xu hướng đang ngày càng lan rộng. Những anh chàng trong trang phục sặc sỡ, với những chiếc mũ/ví hay móng tay kawaii (từ tiếng Nhật nói về sự dễ thương), không chỉ đem đến một phong cách thời trang nam hoàn toàn mới mẻ, thậm chí gây chấn động, mà còn tạo ra sự thay đổi đột phá về vai trò của nam giới trong xã hội Nhật Bản.
Xóa mờ mọi ranh giới
Nhật Bản từ xưa đã có một lịch sử lâu dài về “đa giới tính” và truyền thống xóa mờ ranh giới về giới tính đã có từ rất lâu rồi. Jendaresu-kei chính là tiếp nối từ truyền thống này. Đặc biệt, thời xưa xu hướng này thể hiện rõ nét nhất ở các nghi lễ hay các buổi biểu diễn nghệ thuật. Có thể kể đến như Onnagata (nam đóng giả nữ ở nhà hát kịch Kabuki) hoặc Otokoyaku (nữ đóng giả nam ở nhà hát kịch Takarazuka Revue).
Thậm chí, trong lịch sử Nhật Bản từ xưa đã có những người tiên phong xóa mờ ranh giới nam-nữ này. Cụ thể cách đây một thế kỷ, cảnh tượng những cô nàng Tây phương hóa (hay còn được gọi là ‘moga’) cắt tóc ngắn ngang tai, mặc quần tây ống rộng, đi lại trên phố khiến nhiều người khó chịu. Trong khi tại thời điểm đó, mọi phụ nữ đều mặc kimono khi ra ngoài đường.
Ở thời điểm đó, các moga bị hầu hết mọi người chỉ trích và cười nhạo cho rằng họ không nữ tính. Bởi nếu phụ nữ trở nên nam tính sẽ trở thành mối lo ngại đối với một xã hội nam trị. Tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ là những người có suy nghĩ tây hóa, những nghệ sĩ lại xem những cô gái moga này là những người tiên phong cho cái gọi là “phi giới tính”. Ngày nay, những moga không thích mặc kimono và búi tóc truyền thống cũng tự nhận mình là những người “phi giới tính”. Tương tự, các jendaresu-kei nam giới thời hiện đại cũng có những người tiên phong từ đầu thế kỷ 20.
Giáo sư về nhân chủng học Jennifer Robertson, Đại học Michigan (Mỹ) nhận định, những người đàn ông theo phong cách “phi giới tính” ở Nhật Bản dường như đang làm xóa nhòa đi ranh giới rõ ràng giữa nam và nữ, và loại bỏ giới hạn về trang phục mà đàn ông có thể mặc.
Lan rộng và được đón nhận
Ngày nay, nam giống nữ hay nữ giống nam giờ rất phổ biến trong nền văn hóa Nhật Bản. Nhật Bản đón nhận những chàng trai phi giới tính này với thái độ cởi mở hơn. Họ quan tâm nhiều hơn tới thời trang và có xu hướng ít quan tâm tới xu hướng giới tính của người mặc.
Không chỉ thế, ở Nhật Bản còn có hàng trăm câu lạc bộ cross-dressing (ăn mặc ngược giới tính), Elizabeth Club là một trong những câu lạc bộ như vậy, rất nổi tiếng ở Tokyo. Các thành viên tham gia câu lạc bộ này thường là những người đàn ông trung niên, dân văn phòng, thậm chí là những người đàn ông nam tính có khuôn cổ thẳng và trắng ngần, với xu hướng tình dục dị tính.
Khi bước vào thế giới này, họ lột xác từ một người lịch lãm, menly thành một cô nàng hết sức điệu đà, diêm dúa. Họ có thể tự do rũ bỏ hình ảnh doanh nhân, dân công sở đạo mạo ban ngày, khoác lên mình những lớp trang điểm và những bộ quần áo yêu thích. Bên cạnh lý do để giải tỏa căng thẳng, thỏa mãn sở thích cá nhân, còn rất nhiều lý do khác cho sở thích đặc biệt này, tùy vào từng cá nhân.
Giờ đây, phong cách phi giới tính đối với đàn ông Nhật giờ không chỉ giới hạn trong con hẻm Harajuku nữa. Nó dường như đã trở thành làn sóng mới, khi đàn ông nước này đang dần phá vỡ những chuẩn mực giới tính như nhuộm tóc, dùng kính sát tròng, tô son môi sáng màu. Thêm vào đó, trào lưu âm nhạc Hàn Quốc lan sang Nhật Bản cũng góp phần khiến dư luận có cái nhìn thoáng hơn với việc đàn ông trang điểm và trở nên nữ tính hơn. Thậm chí hiện nay, cả phụ nữ và đàn ông Nhật Bản đều đang “phát cuồng” vì một xu thế lạ đời này. Những cô gái Nhật chia sẻ, họ bị cuốn hút bởi những người đàn ông chăm chút cho vẻ ngoài của mình nhiều hơn là những người được gọi là menly sáu múi nhưng lại quá mờ nhạt trong việc chăm sóc bản thân…./.