Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra đồng nghiệp có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn thực phẩm lành mạnh của bạn, thậm chí cả cách ăn uống và thói quen vận động.

Đồng nghiệp có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của chúng ta. Ảnh: mimi_thian.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên BMC Public Health, đồng nghiệp có thể giúp bạn áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh hơn.

Ví dụ, khi đến một nhà hàng với đồng nghiệp, tỷ lệ lựa chọn hoa quả và rau củ như salad sẽ cao hơn các món khác như hamburger…

Anne van der Put, đồng tác giả của nghiên cứu và là ứng viên tiến sĩ tại khoa Xã hội học, Đại học Utrecht, cho biết áp lực từ bạn bè là một phần nguyên nhân dẫn đến lựa chọn này. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới lựa chọn đồ ăn khi đi cùng đồng nghiệp.

Van der Put nói: “Mỗi ngày, thời gian chúng ta tiếp xúc, giao tiếp với đồng nghiệp rất nhiều, thậm chí hơn cả bạn bè. Trong lúc đó, chúng ta dễ dàng quan sát mọi người ăn gì và làm gì”.

Trong quá khứ, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra các ảnh hưởng của một số nhóm xã hội đối với sức khỏe con người. Một trong số đó là nghiên cứu mang tính bước ngoặt của Christakis và Fowler được công bố trên Tạp chí Y học New England năm 2007.

Sự lựa chọn đồ ăn lành mạnh của đồng nghiệp có thể cũng ảnh hưởng đến chúng ta. Ảnh minh họa: yu_hosoi.

Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên cho thấy sự liên quan giữa nguy cơ phát triển bệnh béo phì với các mối quan hệ xã hội. Kết quả nghiên cứu này cho thấy nguy cơ này tăng 57% ở nhóm bạn của người béo phì.

Mặc dù những nghiên cứu này đã chứng minh rằng bạn bè có thể ảnh hưởng đến hành vi sức khỏe, các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm hiểu xem các mối quan hệ thông thường khác, như đồng nghiệp, có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của chúng ta như thế nào.

“Chúng ta là những sinh vật trong xã hội. Do đó, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng xã hội từ các đồng nghiệp”, TS Douglas E. Levy, phó giáo sư y khoa tại trường Y Harvard (Mỹ), người từng nghiên cứu về mối liên hệ giữa lựa chọn thực phẩm và vai trò của đồng nghiệp, cho hay.

Nhóm nghiên cứu của Levy đã xem xét các sự lựa chọn thực phẩm trong 7 nhà ăn của bệnh viện sử dụng hệ thống dán nhãn “đèn giao thông”, từ đó xác định nhóm thực phẩm lành mạnh (màu xanh lá cây) và không lành mạnh (màu đỏ).

Qua đây, họ phát hiện ra rằng những đồng nghiệp ăn cùng nhau có khả năng ảnh hưởng đến cách ăn uống của nhau, nhất là với các thực phẩm lành mạnh.

Levy nhận định: “Đó có thể là một dạng áp lực ngang hàng hoặc chỉ đơn giản là điểm chạm của chúng ta với một dạng chuẩn mực nhất định”.

Tuy nhiên, không chỉ có khả năng khuyến khích các thói quen ăn uống lành mạnh, đồng nghiệp cũng có thể có ảnh hưởng xấu đến hành vi chọn đồ ăn ở chiều ngược lại.

“Bạn đi ăn trưa với đồng nghiệp của mình. Một người trong nhóm lấy bánh mỳ kẹp pho mát và khoai tây chiên. Điều này khiến những người khác cũng có thể lấy bánh mỳ kẹp pho mát và khoai tây chiên. Hành động này có thể mang thông điệp rằng chúng tôi sẽ không đánh giá bạn vì đã làm như vậy”, Levy nói.

Ảnh hưởng ngay cả khi làm việc tại nhà

Nghiên cứu của cả van der Put và Levy đều xem xét cách đồng nghiệp ảnh hưởng đến thói quen ăn uống lẫn nhau khi những người này chia sẻ không gian làm việc hoặc ăn trong cùng một nhà hàng, căng-tin.

Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng tin rằng phạm vi ảnh hưởng trên có thể mở rộng thông qua cả các tương tác ảo tại nơi làm việc.

Việc lựa chọn thực phẩm theo hướng tốt hay xấu sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực cũng như chuẩn mực xã hội, ngay cả khi làm việc từ xa. Ảnh minh họa: rosie_sun.

Van der Put cho biết bà đang thực hiện một nghiên cứu cho thấy ngay cả khi những nhân viên văn phòng làm việc tại nhà, cách ăn uống và thói quen sinh hoạt của họ vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sếp và đồng nghiệp.

Vị chuyên gia chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ điều này khá thú vị vì nếu bạn làm việc ở nhà, mọi người sẽ ít tiếp xúc với đồng nghiệp hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là một nhóm tham khảo quan trọng”.

Trong khi đó, Levy cho biết thêm một số người tham gia nghiên cứu của Christakis và Fowler năm 2007 không sống gần nhau. Tuy nhiên, họ vẫn tác động đến bạn bè để ăn uống lành mạnh hơn.

Bởi vậy, những người làm việc từ xa nhưng có sự kết nối trực tuyến thường xuyên vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi đồng nghiệp.

“Đồng điệu”

TS Tricia Leahey , giáo sư chuyên về y học hành vi và can thiệp lối sống để điều trị béo phì tại Đại học Connecticut, cho rằng khái niệm “đồng điệu” hoặc xu hướng kết nối với những người có đặc điểm giống chúng ta, cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

Cụ thể, Leahey nói: “Chúng ta thường bị thu hút bởi những người có quan điểm tương tự hoặc cùng tham gia vào các hành hoạt động giống nhau”.

Mặt khác, bà cho biết nơi làm việc có thể mang những người ít tương tác xã hội, hạn chế giao tiếp đến gần nhau hơn. Bản chất của những mối quan hệ này có thể dẫn đến ảnh hưởng xã hội thông qua mô hình hóa.

“Ví dụ, bạn đang đi đến một nhà hàng với đồng nghiệp mới. Nếu họ chọn một món salad, tốt cho sức khỏe, nhiều khả năng bạn cũng sẽ chọn món salad đó”, vị chuyên gia nói.

Dù đó là áp lực, sự khuyến khích hay một mối quan hệ được củng cố thông qua sự chia sẻ những thói quen lành mạnh, bằng chứng cho thấy đồng nghiệp có thể ảnh hưởng đến hành vi ăn uống của nhau.

Từ đây, các nhà khoa học đang tìm cách biến nghiên cứu này thành những chương trình chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc.

Theo Quốc Toàn (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link