Đa số các trường hợp ung thư phổi đều rơi vào các trường hợp hút thuốc lá hay sống lâu trong môi trường bị ô nhiễm, nhưng theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có tới 20% những người bị ung thư phổi được chẩn đoán là không hút thuốc mà có thể đã chịu tác động từ môi trường hoặc đột biến gen.
Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan và nên chú ý tìm hiểu các dấu hiệu để phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.
Theo thống kê tại Hoa Kỳ, ung thư phổi chiếm khoảng 14% số ca ung thư mỗi năm. Còn tại Việt Nam, theo công bố của Hội Y tế công cộng, mỗi năm có khoảng 40.000 trường hợp tử vong do thuốc lá.
Dấu hiệu ung thư phổi
1. Ho kéo dài: Cảm lạnh hoặc các bệnh hô hấp khác sẽ gây ho, nhưng chỉ trong khoảng một hoặc hai tuần. Nếu ho kéo dài trong một tháng hoặc lâu hơn thì tốt nhất bạn nên đi gặp bác sĩ và nêu ra những triệu chứng đang gặp phải.
2. Hơi thở khò khè bất thường: Người bị ung thư phổi thường cảm thấy hơi thở kém đi, có cảm giác bị hụt hơi hoặc khó thở sau một vài hoạt động thông thường. Vì vậy đừng coi thường triệu chứng này khi chưa được bác sĩ kiểm tra và xác nhận.
3. Giọng nói bị biến đổi: Ung thư phổi có thể bắt đầu tác động vào dây thần kinh điều khiển thanh quản. Khi điều đó xảy ra, bạn sẽ nhận thấy một sự thay đổi trong giọng nói, như là giọng trầm hơn hoặc khàn đi. Bạn nên lưu ý nếu sự thay đổi này kéo dài hơn hai tuần.
4. Sụt cân nhanh: Nếu bạn bị tụt cân không do chủ ý một cách bất ngờ và nhanh chóng thì cần theo dõi trong vòng một tháng và đi gặp bác sĩ. Cùng với các triệu chứng khác, việc giảm cân có thể trực tiếp biểu hiện ung thư phổi.
5. Đau lưng: Cuối cùng, một dấu hiệu ít được biết đến của ung thư phổi là những cơn đau sâu trong xương hoặc khớp của bạn. Nhiều người cảm thấy đau ở lưng hoặc hông và cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn qua mỗi ngày.
Chẩn đoán và điều trị
Cách tốt nhất để bác sĩ kiểm tra ung thư phổi là qua chụp cắt lớp vi tính liều thấp.
X-quang đơn giản có thể không bắt được bệnh trong giai đoạn đầu. Trong quá trình chụp CT, tia X-quang sẽ quét cơ thể của bạn trong khi liều thấp của bức xạ sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết về phổi của bạn.
Nếu kết quả bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu một mẫu mô (sinh thiết) để xác nhận chẩn đoán hoặc có thể đề nghị xét nghiệm đờm để xem xét những tế bào ung thư.
Sau đó đến bước tiếp theo là chẩn đoán xác định mức độ ung thư phổi. Tại thời điểm này, bác sĩ có thể đề nghị quét CT, chụp PET, quét xương hoặc MRI để có được một phân tích chính xác. Loại xét nghiệm sẽ tùy thuộc vào tình huống cụ thể bạn gặp phải và bác sĩ sẽ chỉ định.
Quá trình điều trị của bạn sẽ phụ thuộc phần lớn vào giai đoạn cũng như điều kiện của ung thư phổi. Đối với ung thư phổi không phải là tế bào nhỏ, bác sĩ có thể đề nghị một loạt hoặc kết hợp các phương pháp điều trị:
Phẫu thuật để loại bỏ ung thư và có thể cần phải loại bỏ mô hoặc một phần của phổi trong các giai đoạn tiếp theo.
Liệu pháp mục tiêu – Bạn có thể phải dùng các thuốc cùng với hóa trị. Các thuốc nhắm tới những bất thường trong tế bào ung thư và bác sĩ có thể cần phải kiểm tra thêm để đảm bảo rằng liệu pháp sẽ giúp ích cho bạn.
Bức xạ – Phương pháp này sử dụng liều phóng xạ cao từ tia X hoặc nguồn khác để diệt các tế bào ung thư.
Hóa trị liệu – Bác sĩ sẽ cho bạn thuốc uống để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị thường được sử dụng kết hợp với bất kỳ phương pháp điều trị nào ở trên.
Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, có thể bạn sẽ nhận được bức xạ và hóa trị liệu như là phương pháp điều trị chính . Trong cả hai trường hợp, bạn đều có thể chọn tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Do các yếu tố bên ngoài, ung thư phổi xảy ra với cả người hút thuốc và người không hút thuốc. Mặc dù hút thuốc lá hoặc tuổi tác có thể làm tăng nguy cơ của bạn, bạn nên luôn ý thức được bất kỳ dấu hiệu sớm của bệnh này. Cũng như bất kỳ bệnh ung thư nào, điều trị chứng tỏ dễ dàng và nhanh hơn trong giai đoạn đầu.