Được biết, hạ đường huyết là bệnh lý rất phổ biến. Vậy thưa bác sỹ xin cho hỏi, hạ đường huyết là gì và nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng bệnh lý này?
Hạ đường huyết hay còn gọi là đường huyết thấp là khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường (<70mg/dl). Hạ đường huyết là tình trạng cấp cứu vì có thể diễn biến đến hôn mê và gây ra tử vong cho bệnh nhân. Nếu bệnh lý được phát hiện kịp thời thì sẽ có kết quả điều trị rất tốt. Tuy nhiên trên lâm sàng có những biểu hiện khác nhau còn tùy theo mức độ hạ đường huyết của cơ thể.
Tế bào não của chúng ta có tính thấm cao với glucose mà không cần tác động của chất trung gian là Insulin. Đồng thời tế bào não thường chỉ sử dụng năng lượng từ glucose. Do đó, khi cơ thể có mức đường máu giảm thấp dưới 50 mg /dl Bệnh nhân có thể mất định hướng, cơn loạn thần, co giật, rối loạn ý thức, hôn mê. Đó chính là hiện tượng hạ đường huyết mà chúng ta hay nghe nhắc đến.
Các nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng hạ đường huyết bao gồm:
• Uống rượu: Khi bệnh nhân uống rượu nhiều có thể làm suy giảm khả năng tân tạo đường tại gan gây nên triệu chứng hạ đường huyết rất nguy hiểm.
• Insulinoma (u tuyến tụy): Hiện tượng này gây tăng tiết Insulin khiến cho bệnh nhân thường bị hạ đường huyết vào các thời điểm như sáng sớm, cuối trưa, sau khi nhịn đói.
• Dùng thuốc sai nguyên tắc: Nếu bạn sử dụng thuốc hạ đường huyết quá liều hoặc dùng thuốc nhưng bệnh nhân bỏ bữa ăn thì sẽ gây ra tình trạng suy gan, suy thận…cực kỳ nguy hiểm. Hạ đường huyết trong bệnh lý gan, thận… xuất phát từ nhiều nguyên nhân phức tạp. Có thể kể ra như sự thay đổi chuyển hóa thuốc, giảm tốc độ chuyển hóa thức ăn từ dạ dày xuống ruột, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng…đều gây ra hiện tượng hạ đường huyết.
• Hạ đường huyết sau ăn xảy ra thường 2-3 giờ sau ăn trên bệnh nhân cắt dạ dày, cắt thực quản…
• Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học như các thói quen xấu:
– Ăn không đủ lượng như: Thiếu bữa ăn phụ, bỏ bữa ăn, ăn quá ít trong 1 bữa. cụ thể:
– Ăn không đúng bữa (ăn trễ giờ so với bữa ăn bình thường) hoặc bỏ bữa (đặc biệt là bữa ăn sáng) đều có thể gây ra hiện tượng hạ đường huyết.
– Bỏ bữa ăn vì quên hoặc cho là còn no bụng.
– Hạ đường huyết do ăn không đủ lượng carbohydrat (tinh bột) trong bữa ăn.
– Hạ đường huyết do nhịn đói lâu ngày và không được bổ sung chất dinh dưỡng phù hợp.
Vậy xin bác sĩ có thể cho biết những dấu hiệu nhận biết chứng hạ đường huyết là gì?
• Thể nhẹ: Thường bệnh nhân không chịu được đói, người run, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi, chóng mặt, tim đập nhanh, đánh trống ngực, lờ đờ, buồn ngủ. Trong thực tế, người ta cũng thường gặp những công nhân do làm việc nặng nhọc, căng thẳng nên vào cuối giờ lao động, người mệt mỏi, làm việc kém năng suất, có dấu hiệu của hạ đường huyết thể nhẹ và hay xảy ra tai nạn lao động.
• Thể vừa: Có trường hợp rối loạn tinh thần, có cơn thao cuồng, sầu uất, ủ rũ, mất phương hướng, đôi khi xuất hiện cơn co giật như động kinh, nhìn đôi, luôn ủ rũ và tính dễ bị kích động. Có người bị liệt nửa người, nhưng thường chỉ vài phút, vài giờ là khỏi hẳn. Cũng có trường hợp buồn nôn, đôi khi đau bụng, ngất.
• Thể nặng: Hôn mê xảy ra đột ngột, hôn mê sâu, co cơ hàm hoặc cơn co giật toàn thân, có khi liệt nửa thân. Nhiệt độ giảm. Có trường hợp tự nhiên tỉnh dần trong vài giờ hay vài ngày. Nếu tiêm glucoza thì khỏi nhanh hơn. Có trường hợp tử vong vì trụy tim mạch trong các cơn nặng. Điều đặc biệt trong chứng hạ đường huyết tự phát là cơn xảy ra lúc đói, rất đúng giờ, giống nhau, hay bị đi bị lại nhiều lần. Nếu lấy máu làm xét nghiệm, thấy đường huyết hạ.
Nhưng nhìn chung, những biểu hiện rõ ràng và dễ nhận thấy được vẫn là mệt đột ngột không giải thích được; đau đầu, chóng mặt lả đi; cảm giác đói cồn cào; vã mồ hôi; tê buồn chân tay; chân có cảm giác nặng; lo lắng bứt rứt; run tay; hồi hộp, tim đập nhanh; có khi buồn nôn và nôn.
Hạ đường huyết rất hay gặp và có thể nhận biết qua các dấu hiệu điển hình. Vậy xin bác sĩ cho độc giả biết những đối tượng nào có thể mắc chứng hạ đường huyết và cách phòng ra sao?
• Thứ nhất, bạn cần xác định xem mình có nguy cơ bị hạ đường huyết nếu bạn thuộc một trong những yếu tố sau:
– Đang bị tiểu đường và đang dùng thuốc trị bệnh tiểu đường.
– Nghiện rượu bia.
– Đang điều trị viêm gan hoặc bệnh về thận.
– Có khối u làm tăng tiết insulin.
– Mắc các bệnh rối loạn nội tiết như suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận.
Vì thế, không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh nên cần hết sức cảnh giác với chứng hạ đường huyết.
• Thứ hai, bạn luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường… trong túi, trong cặp để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay. Hạ đường huyết nhẹ thì dùng ngay bánh, hoa quả, sữa… hoặc bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà. Sau đó khoảng 15 đến 20 phút, nếu lượng đường vẫn chưa bình thường trở lại hoặc bạn vẫn không thấy đỡ hơn, bạn nên bổ sung đường thêm một lần nữa.
• Thứ ba, bạn cần tuân theo một số lời khuyên sau:
– Nếu hạ đường huyết do bệnh tiểu đường thì nên tuân theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc trong việc dùng thuốc và ăn uống hằng ngày
– Không bỏ bữa ăn, ăn đủ lượng cacbonhydrat, ăn thêm bữa phụ, ăn nhiều rau…
– Nên tập thể dục thường xuyên và đúng bài bản.
– Đối với người do bị đái đường cần tiêm hay cho bệnh nhân uống glucoza, tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân khó phát hiện. Chất insulin do tuyến tụy tiết ra có tác dụng điều hòa đường huyết.
– Trường hợp do u tuyến tụy gọi là hạ đường huyết tự phát. Bệnh này có thể điều trị khỏi hẳn nếu được phẫu thuật cắt bỏ khối u.