Trong thực tế, có khá nhiều nam giới đô tuổi trung niên phải đối diện với tình trạng nồng độ testosterone thấp, dẫn tới suy giảm về khả năng và cảm xúc tình dục. Testosterone đạt mức cao nhất vào độ tuổi 20-40 sau đó giảm dần. Các nhà y khoa tính toán: Sau tuổi 30, hoạt động của tinh hoàn giảm 2% mỗi năm và phát triển chứng suy tuyến sinh dục. 20-50% nam giới khỏe mạnh ở độ tuổi 50-70 có nồng độ testosterone thấp hơn bình thường. Trong số những nam giới ở độ tuổi 55-64 đi khám bệnh vì có vấn đề cương dương thì 85% trong số họ phải điều trị bằng testosterone.
Bệnh lý tuyến yên và tinh hoàn là những bệnh đòi hỏi liệu pháp testosterone, thể hiện một số bệnh cảnh như mỏi mệt, giảm ham muốn tình dục và cả những cơn bốc nóng, cảm xúc thất thường. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là sự thay đổi về tỷ trọng xương và bệnh loãng xương có thể dẫn đến gãy xương.
Vì thế, lâu nay giới y khoa vẫn coi liệu pháp thay thế testosterone là “phương kế hữu hiệu” có thể cải thiện được cả về thể chất và tâm lý. Thậm chí, có quan điểm cho rằng liệu pháp này là “cây đũa thần” không chỉ giúp cải thiện “bản lĩnh đàn ông” trong chuyện chăn gối, mà còn giải quyết được cả những triệu chứng “tuổi già” như đau khớp, cảm giác chán chường, suy yếu về cơ bắp… Việc bổ sung testosterone có thể phục hồi chất lượng sống cho người có tuổi.
Có 4 dạng testosterone được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận, gồm dạng viên testosterone undecanoate, dạng tiêm bắp depo – testosterone, delatestryl dạng cao dán, gel bôi trên da.
Trước đây, giới y khoa thường chỉ cảnh báo tác dụng phụ của liệu pháp này là nguy cơ dẫn tới bệnh lý phì đại lành tính tuyến tiền liệt to ra hay ung thư tuyến tiền liệt nghiêm trọng hơn. Vì thế, trước khi điều trị bổ sung bằng testosterone, người bệnh cần kiểm tra tuyến tiền liệt và định lượng PSA (kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt bình thường không có hay rất thấp, dưới 4 nanogram/ml).
Tuy nhiên, với một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đức, thì vấn đề còn có thể nghiêm trọng hơn nhiều, khi việc lạm dụng liệu pháp testosterone không chỉ ảnh hưởng tới tuyến tiền liệt, mà còn có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch – một dạng bệnh lý có thể gây nguy hiểm tính mạng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ bị huyết khối tĩnh mạch ở những người dùng liệu pháp thay thế testosterone trong 6 tháng tăng cao hơn 63% so với những người không sử dụng liệu pháp này.
Rất may, liệu pháp thay thế testosterone không phải là phương pháp duy nhất để “cải thiện bản lĩnh đàn ông”. Những thay đổi trong chế độ ăn uống, tập thể dục, thói quen ngủ, giảm căng thẳng hoặc sử dụng thảo dược có thể giúp gia tăng nồng độ hormone này.
Cụ thể, có một số việc cần làm để duy trì và cải thiện nồng độ testosterone ở những người đàn ông có tuổi. Đầu tiên là phải giữ ổn định trọng lượng cơ thể. Cách để duy trì một trọng lượng khỏe mạnh là có một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Cần lưu ý, không cắt giảm lượng calorie của bạn đột ngột vì nếu cơ thể của bạn bị “đói”, tinh hoàn sẽ ngừng sản xuất hormone testosterone.
Thứ 2 là nên tập thể dục thường xuyên. Trong đó, tập thể hình đã được minh chứng là cách giúp tăng nồng độ testosterone. Nam giới nên tập tạ 4 – 5 lần một tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Nếu không thích bộ môn này, bạn có thể chạy, bơi lội hoặc các bài tập aerobic với tần suất cao. Tuy nhiên, giữa những thời gian tập luyện thì cần có khoảng thời gian cần thiết để phục hồi. Tốt nhất là nên có một huấn luyện viên hướng dẫn cụ thể các bài tập và giúp bạn đề ra một kế hoạch phù hợp với lối sống của bản thân.
Thứ 3 là phải đảm bảo ngủ đủ giấc. Cần ngủ 7 – 9 tiếng/đêm, và có chất lượng giấc ngủ tốt. Không sử dụng máy tính và thiết bị điện tử một giờ trước khi đi ngủ; không sử dụng đồ uống có chứa caffeine vào cuối buổi tối; tắm nước nóng trước khi đi ngủ; thường xuyên đi ngủ đúng giờ.
Thứ 4 là tránh trạng thái thần kinh căng thẳng bằng các biện pháp như thực hiện các bài tập thở sâu, thiền và yoga 20 phút mỗi ngày, luôn giữ thái độ sống tích cực, dành thời gian cho các môn nghệ thuật…
Ngoài ra, cần bổ sung những chất béo lành mạnh, ưu tiên ăn các loại hạt, bơ, cá, lòng đỏ trứng, dầu olive, dầu cọ, dầu hạt cải…; Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 10 – 15 phút/ngày vào buổi sáng sớm; Ăn các loại thịt đỏ, cá, sò, cua, sữa, phô mai, đậu, sữa chua, nhằm đảm bảo bổ sung 11mg kẽm/ngày. Nhất thiết phải hạn chế sử dụng rượu và các đồ uống có cồn.