Sáng ngày 9-1, Bộ Y tế công bố dự thảo Luật về máu và tế bào gốc cho báo chí. Trong đó, Bộ Y tế cho biết báo cáo đánh giá tác động đề nghị quy định bắt buộc hiến máu 1 năm/lần, ngoại trừ trường hợp không thể hiến máu.
Đại diện Bộ Y tế cho biết đang có hai phương án thực hiện quy định trên: bắt buộc hiến máu (như kể trên) và phương án hai là tình nguyện hiến máu như hiện nay.
Quan điểm của nhiều chuyên gia trong Bộ Y tế là nghiêng về phương án hai.
Theo thống kê của Viện Huyết học truyền máu T.Ư, năm 2016 cả nước tiếp nhận được trên 1,2 đơn vị máu (350 ml/đơn vị), tính cả người hiến máu loại 250 ml thì có tổng số trên 1,4 triệu đơn vị máu được hiến tặng, tương đương 1,52% dân số. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi quốc gia có 2% dân số tham gia hiến máu là đảm bảo đủ máu cho điều trị.
So với năm 2003, cả nước có 21% máu hiến tặng là tình nguyện (được trả tiền) thì năm 2016 khoảng 98% máu hiến tặng là hoàn toàn tình nguyện là một bước tiến rất dài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 9-1, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nhận định có thể sau này khi đệ trình Quốc hội, Luật này có thể đổi là “Luật hiến máu và hiến tế bào gốc”. “Đây là điều văn minh và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có quy định tương tự”- ông Trí nói.
Tuy nhiên theo ông Trí, dù việc hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào lớn và đi vào ý thức của nhiều người dân, nhưng có luật sẽ có cơ sở pháp lý, mọi người phải tuân theo. Ông Trí cũng dẫn ví dụ ở Trung Quốc trước năm 1999 xấp xỉ 100% máu điều trị là từ người bán máu chuyên nghiệp, nhưng sau 2005 (sau khi có Luật bắt buộc hiến máu) thì 98% máu điều trị từ người hiến tặng.
Dù Luật về máu và tế bào gốc mới ở khâu dự thảo, nhưng đang khá gây tranh cãi, nhất là trong điều kiện hiện nay mới huy động tình nguyện nhưng lượng máu hiến tặng đã gần tương đương khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, vì sao lại còn cần phải bắt buộc hiến máu?
Ai có thể hiến máu?
– Tuổi từ 18-60.
– Cân nặng từ 42 kg trở lên với nữ và từ 45 kg trở lên đối với nam, nữ giới không trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
– Không mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp và bệnh lây qua đường truyền máu như virus viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét.
– Đảm bảo về chỉ số huyết sắc tố.