Triệu chứng khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm gồm:

– Về tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy.

– Về hô hấp: Ho, thở nhanh, khó thở, tím tái.

– Về thần kinh: Co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ, sau đó là liệt cơ. Trong trường hợp nặng hơn, trẻ có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê.

– Dấu hiệu tăng tiết: Đờm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.

Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, phụ huynh phải chú ý kỹ xung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây độc và liên hệ bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu.

Trong trường hợp chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế, phụ huynh nên để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước (khát, li bì, niêm mạc miệng mũi khô, tiểu ít…) của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước đầy đủ.

Ngoài ra, phụ huynh có thể cho trẻ uống dung dịch oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải. Nếu sốt cao, trẻ có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol 10-15 mg/kg/lần và uống 4-6 giờ/lần (tối đa 0,5 g/lần và 2 g /ngày).

Đồng thời, trẻ phải tạm dừng tiêu thụ thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho trẻ, phụ huynh lưu ý:

– Cho trẻ rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống.

– Bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến.

– Nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch.

– Không để trẻ ăn uống mà không có sự giám sát của người lớn.

– Không sử dụng lại đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng và kiểm tra kỹ thời hạn sử dụng của các thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng.

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) chia sẻ.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link