Méo miệng, liệt mặt vì để đầu ướt đi ngủ
Theo trang China Times, một cô gái 32 tuổi, tên thường gọi là Xiong, sống ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã mắc chứng liệt nửa mặt do đi ngủ trong tình trạng tóc còn đang ướt. Xiong làm việc ở một trung tâm mua sắm và do công việc hàng ngày quá bận rộn nên cô thường đi ngủ ngay sau khi vừa tắm gội xong.
Tuy nhiên, vào một buổi sáng như mọi ngày, cô thức dậy và phát hiện ra một nửa mặt bên trái của mình không cử động được. Khi nhìn vào gương lúc đang đánh răng, cô còn thấy phần miệng có hiện tượng bị méo nên rất hoảng sợ, lo lắng. Ngay sau đó, Xiong đã nhanh chóng đến bệnh viện và gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng méo miệng, liệt nửa mặt mà cô đang gặp phải. Bác sĩ đã kết luận rằng, tình trạng này là do thói quen đi ngủ khi tóc còn ướt mà cô vẫn thường mắc phải mỗi tối.
Theo bác sĩ giải thích, tình trạng tê liệt này xuất phát từ sự thay đổi nhiệt độ trong cơ thể khi mái tóc còn đang ướt nên gây ra hiện tượng các cơ mặt bị co lại, đặc biệt là khi cơ thể đang ở trong trạng thái ngủ. Ngoài ra, bác sĩ cũng cho biết, thói quen ngủ với mái tóc ướt trên gối còn tạo điều kiện sản sinh lý tưởng cho vi trùng phát triển trên da đầu nên có thể gây đau đầu kinh niên, nấm da đầu…
Theo BS Vũ Hữu Ngõ (nguyên trưởng khoa Châm cứu và Dưỡng sinh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương), liệt mặt, méo miệng là biểu hiện của bệnh viêm dây thần kinh số 7. Theo bác sĩ Ngõ có 3 nguyên nhân chính gây nên căn bệnh viêm dây thần kinh số 7. Đó là phong hàn, viêm tai giữa và bệnh zona thần kinh. Trong trường hợp này là do phong hàn.
Theo chuyên gia, khi thăm khám bệnh cần hết sức cẩn thận vì căn bệnh này dễ nhầm lẫn sang liệt trung ương – thường xuất phát từ các nguyên nhân như tai biến mạch máu não, huyết áp cao hoặc các bệnh về tim mạch. Bệnh nhân bị viêm dây thần kinh số 7 ngoại biên nếu không được chữa trị kịp thời sẽ để lại những di chứng liệt méo miệng, nhất là làm mất thẩm mỹ. Khi bệnh để quá 2-3 năm thì sẽ trở thành tật cực khó chữa khỏi hoàn toàn.
Để điều trị viêm dây thần kinh số 7, nguyên tắc do lạnh là phải khu phong tán hàn, kết hợp châm cứu bằng điếu ngải (hơ vào các chân kim, làm nóng lên để tán hàn), vì cơ chế lạnh làm co mạch máu. Đây là giai đoạn quyết định. Nếu không thực hiện đúng giai đoạn này thì việc điều trị khỏi bệnh sẽ gặp khó khăn. May mắn cho Xiong, sau 10 ngày điều trị bằng phương pháp châm cứu kèm theo một số phương pháp điều trị toàn diện khác, Xiong đã hồi phục hoàn toàn và trở lại bình thường.
Gặp các triệu chứng đột quỵ sau khi gội đầu tại salon tóc
Đài CBS đưa tin, Elizabeth Smith, 48 tuổi sống tại bang California đến tiệm làm đầu vào tháng 12 năm 2013 và dành ra 10 phút để gội mái tóc của mình. Nhưng chỉ một tuần sau đó, cô cảm nhận thấy rõ rệt chân và tay trái của mình yếu dần đi. Sau đó tiếp 1 tuần nữa, người phụ nữ này bắt đầu phải chịu đựng cơn tai biến khủng khiếp xảy ra với chính mình. Elizabeth Smith được bác suy đoán tư thế nằm ngả người trên bồn gội đầu rất có thể là nguyên nhân hàng đầu gây nên hiện tượng đột quỵ. Theo đó, các bác sĩ cho rằng, khi cổ của cô bị uốn cong về phía sau trên bồn gội đầu đã khiến các mạch máu bị chèn ép, làm xuất hiện các tụ máu là nguyên nhân chính của cơn đột quỵ.
Peter Gloviczki, bác sĩ phẫu thuật đến từ Minnesota cho biết, khi bạn ngửa cổ quá sâu về phía sau, sự thay đổi vị trí của các xương vô tình tạo ra sức nén lên thành mạch máu. Sức nén làm rách thành mạch, tạo ra các cục máu đông, khi chạy lên não sẽ tạo nên cơn đột quỵ rất đáng sợ.
Theo ông, để tránh tình trạng đột quỵ khi gội đầu ngoài tiệm, đừng quên sử dụng một chiếc khăn dày đỡ dưới đầu, giúp cổ bạn không bị nghiêng một góc quá 20 độ. Hoặc bạn có thể đề nghị thợ làm đầu chỉnh bồn thấp xuống, hoặc gội đầu theo tư thế mặt úp xuống dưới và người nằm sấp thì không cần phải lo lắng vấn đề gì.
Cô gái “chết đi sống lại” chỉ vì duy trì thói quen gội đầu ban đêm
Vào đầu năm 2017, Facebooker Phạm Hồng Thu chia sẻ lên trang cá nhân về câu chuyện bản thân vừa “chết đi sống lại” vì thói quen tắm và gội đầu ban đêm. Theo lời kể của nhân vật, sau khi đi làm về do mệt nên cô có chợp mắt một lát, đến 10h tối bắt đầu trở dậy đi tắm và gội đầu. Vừa gội đầu xong, bước ra cửa nhà tắm là đầu óc quay cuồng ráng lết vào được phòng nằm, đầu óc choáng váng, nhức bưng bưng, không thể nhận thức được nữa.
Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) nhấn mạnh, dù là tắm hay gội đầu đêm vì bất cứ lý do gì thì hành động này cũng rất dễ khiến bạn bị đột quỵ. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ khi tắm, gội đầu ban đêm có thể là do đau thắt ngực, tai biến mạch máu não…
Chưa hết, tắm gội đầu ban đêm nói chung còn khiến bạn dễ bị nhiễm trùng phổi, suy giảm chức năng phổi, đặc biệt là những người đang bị suy giảm miễn dịch. Nguyên nhân là khi nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, bắt buộc cơ thể phải điều tiết hoặc là co mạch hoặc là giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt. Khi bị co lại đột ngột thì khả năng bạn bị đột quỵ là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
“Ngoài ra, khi tắm đêm hoặc để đầu vẫn còn ẩm ướt đi ngủ rất dễ bị mệt mỏi, đau nhức đầu. Lúc này mạch máu não có xu hướng giãn, có thể sẽ bị đau đầu mãn tính”, vị lương y nhấn mạnh.
Do đó, việc tắm đêm, gội đầu ban đêm có thể khiến bạn sinh bệnh, hoặc những người đang có bệnh trong người thì sẽ bị nặng hơn. Để tránh hiện tượng này, bạn nên tắm gội sớm hơn, thường là khoảng thời gian 6-8h tối. Và sau khi làm xong, bạn cần nghỉ ngơi hoặc làm việc gì đó trong vòng 2 tiếng trước khi lên giường ngủ.