Vào tháng 3, khi Covid-19 lan rộng tại Kenya buộc các trường học đóng cửa, Bella chuyển sang học từ xa. Do gia đình không có điện và Internet, em phải nghỉ học, giặt quần áo thuê để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Một người đàn ông hứa trả cho em 1.000 shilling (khoảng 200.000 đồng) hoặc 1.500 shilling (khoảng 300.000 đồng) để quan hệ không biện pháp an toàn. Số tiền này gấp ba lần tiền Bella kiếm được từ việc giặt quần áo nên nữ sinh không thể từ chối. Sau khi Bella có thai, người đàn ông biến mất.
Bella cho rằng đại dịch đã đẩy em vào tình cảnh như hiện tại bởi nếu không có Covid-19, em vẫn đang đi học, việc giặt quần áo thuê và gặp người đàn ông nọ là không bao giờ xảy ra. Bella hiện nhận hỗ trợ xã hội từ nhóm vận động quốc tế ActionAid và đi giặt thuê để kiếm tiền nuôi đứa con sắp chào đời.
Vì đang mang thai, Bella sẽ không thể tiếp tục học khi các trường mở cửa trở lại vào tháng 1/2021. Sau khi biết tin em có thai, một nhà hảo tâm giúp đóng học phí đã rút lại toàn bộ tiền hỗ trợ.
Tại Kenya, từ tháng 1 đến 5/2020, hơn 150.000 nữ sinh mang thai được ghi nhận. Trong khi đó trước Covid-19, mỗi năm quốc gia châu Phi này ước tính có 13.000 trẻ em gái bỏ học để sinh con.
Các nhân viên y tế nhận định con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều người không đến phòng khám. Stefania Giannini, Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách Giáo dục của UNESCO, cảnh báo trẻ em gái mang thai trong giai đoạn cách ly Covid-19 sẽ khó có cơ hội quay lại trường học. Nhiều quốc gia thậm chí cấm trẻ em gái mang thai được đến trường.
UNESCO dự đoán gần 11 triệu trẻ em gái và phụ nữ trẻ trên thế giới phải bỏ học do tác động của Covid-19 trong năm 2021. Các chuyên gia đánh giá kết quả này đã phá hủy công sức tạo dựng bình đẳng giới trong giáo dục qua hàng thập kỷ. Nếu không tiếp tục đến trường, trẻ em gái sẽ phải đối mặt với tình trạng lao động trẻ em, mang thai ở tuổi vị thành niên, tảo hôn và bạo lực gia đình.
Với nhiều nữ sinh, trường học không chỉ là con đường dẫn tới tương lai tươi sáng hơn mà là “cứu cánh”. Vì trường học cung cấp các dịch vụ quan trọng như nước sạch, băng vệ sinh, khóa học về sức khỏe tình dục và hỗ trợ xã hội.
Năm 2003, Chính phủ Kenya đã xây dựng chương trình giáo dục tiểu học miễn phí, mở rộng sang trung học vào năm 2018. Trong kế hoạch giáo dục giai đoạn 2018-2022, Kenya đưa ra một số chiến lược cải thiện giáo dục dành cho trẻ em gái. Đầu năm 2020, Bộ Giáo dục Kenya cho phép nữ sinh có con tiếp tục đi học mà không bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, nhiều em không muốn quay lại do sợ bị chế giễu.
Cũng do Covid-19, một số nước đã cắt giảm viện trợ giáo dục cho các quốc gia như Kenya. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới giáo dục của trẻ em gái vì không còn được quan tâm và hỗ trợ như trước. Nhiều nhóm vận động vì giáo dục trẻ em gái đang kêu gọi chính phủ các nước duy trì ưu tiên dành cho giáo dục.
Trong khi đó, những nữ sinh như Bella phải chuyển hy vọng từ trường học sang gia đình. “Điều này thật khó khăn với tôi. Tôi sẽ không thể quay lại trường học và con tôi sắp chào đời. Tôi không biết làm gì hay cảm thấy như thế nào”, Bella nói.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.