Một nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chi Neuron kết luận rằng quên đi điều gì đó không phải là việc đáng chê trách bởi nó thực sự giúp chúng ta trở nên thông minh hơn.
Trong nghiên cứu, hai nhà khoa học Paul Frankland và Blake Richards thuộc Đại học Toronto, cho rằng mục đích của bộ nhớ không phải là truyền tải thông tin chính xác nhất theo thời gian. Thay vào đó, họ cho rằng nó được tối ưu hóa để giữ lại những gì quan trọng và loại bỏ mọi thứ không cần thiết.
“Việc não bộ quên đi những chi tiết không liên quan và thay vào đó tập trung vào những thứ sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định chính xác trong thế giới thực là rất quan trọng”, Richards, một cộng sự của chương trình Learning in Machines and Brains chia sẻ.
Các nhà khoa học đã đi đến kết luận này sau nhiều năm nghiên cứu dữ liệu về trí nhớ, chứng mất trí và hoạt động của não bộ trên cả người và động vật. Ví dụ, trong một nghiên cứu trên chuột, Frankland đã phát hiện ra rằng những tế bào thần kinh mới được hình thành trong vùng Hồi hải mã (Hippocampus – nơi lưu trữ thông tin và hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn) sẽ ghi đè lên những ký ức cũ và khiến chúng khó tiếp cận hơn.
Từ đó, các nhà khoa học cho rằng việc hoán đổi thường xuyên giữa ký ức cũ và mới sẽ giúp ích rất nhiều cho con người. Ví dụ, nó có thể cho phép chúng ta thích ứng với những tình huống mới bằng cách bỏ qua các thông tin lỗi thời và gây nhầm lẫn. “Nếu bạn đang cố gắng tìm đường nhưng bộ não liên tục đa ra những ký ức mâu thuẫn bạn sẽ khó quyết định hơn”, Richards nói.
Bộ não cũng giúp chúng ta quên đi những chi tiết cụ thể của các sự kiện trong quá khứ mà vẫn ghi nhớ được bức tranh toàn cảnh. Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta có thể tận dụng cơ chế này để tổng hợp những trải nghiệm trước đây và áp dụng nó vào các tình huống hiện tại.
“Chúng tôi ngưỡng mộ những ai có thể chiến thắng trong các cuộc thi trí nhớ nhưng sự thật là quá trình tiến hóa không định hình trí nhớ của chúng ta cho các cuộc thi tầm thường mà là để đưa ra các quyết định thông minh trong đời”, Richards nói. “Vì thế, quên đi những điều không quan trọng giúp bạn dễ tiếp cận thông tin cần thiết hơn khi muốn đưa ra quyết định chuẩn xác”.
Vì thế, theo Richards, đừng quá buồn nếu bạn hay quên những điều lặt vặt. “Nếu bạn là người hay quên những chi tiết không thường xuyên thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng hệ thống trí nhớ của bạn hoạt động hoàn toàn bình thường và đang làm chính xác những gì nó cần làm”, anh nói.
Trong thời đại ngày nay, khi máy tính và smartphone trong tầm tay, Richars nói, bộ não của chúng ta không cần thiết phải ghi nhớ những thông tin như số điện thoại và những thứ dễ dàng tìm kiếm trên Google.
“Thay vì lưu trữ những thông tin không liên quan, bộ não của chúng ta nên được giải phóng để ghi nhớ những kỷ niệm thực sự quan trọng với chúng ta”, anh nói. Richards cũng khuyên mọi người nên “làm sạch” bộ nhớ bằng cách tập thể dục hàng ngày. “Chúng tôi biết tập thể dục sẽ làm tăng số nơ-ron trong Hồi hải mã”, anh nói. “Nó sẽ khiến một vài ký ức bị mất đi nhưng đó là những chi tiết không quan trọng trong cuộc đời bạn và chúng có thể khiến bạn đưa ra quyết định không đúng đắn”.