Trong những ngày cuối năm, câu chuyện về sân bay Tân Sơn Nhất được báo chí nhắc đến nhiều. Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, TP hôm 29/12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu thực trạng: “Hiện nay sân bay này quá tải trầm trọng, công suất chỉ 25 triệu khách/năm nhưng năm 2016 đã là 32 triệu khách”. Phó Thủ tướng cũng nói về lộ trình “Phải nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 40-50 triệu khách/năm”. Phó thủ tướng cũng cho biết phương án đề ra là phải mở rộng diện tích, tăng chỗ đỗ, làm thêm một đường bay, một nhà ga.

Muốn vào Tân Sơn Nhất thì chỉ có cửa ngõ Trường Sơn
Chưa khi nào mà người dân TP.HCM cảm thấy sân Tân Sơn Nhất lại nhỏ bé như hiện giờ và mong mỏi các chỉ đạo của chính phủ về việc nâng công suất sân bay. Có đi ra sân bay trong trạng thái thần kinh mệt mỏi mới thấy hết sự bức bối của người dân. Hàng chục triệu người đi máy bay mỗi năm và chỉ vài % mệt mỏi cũng là con số rất lớn.
Sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong quận Tân Bình và chỉ cách chợ Bến Thành – trung tâm TP.HCM chưa đầy 1 cây số. Tưởng chừng như việc nằm ở trung tâm sẽ giúp cho Tân Sơn Nhất là điểm giao thông thuận tiện nhưng hóa ra không phải vậy. Đáng lẽ sân bay cần phải thông thoáng 4 phương 8 hướng nhưng sân bay Tân Sân Nhất lại không được như vậy. Tất cả mọi ngả đường đều dồn về đường Trường Sơn là nơi đặt cả ga quốc tế lẫn nội địa. Còn phía đường Tân Sơn, Quang Trung là sân golf ngăn cách trong khi phía đường Nguyễn Kiệm, Cộng Hòa lại là nhà dân ngăn cách.

các tuyến đường quanh Trường Sơn đều kẹt cứng
Chỉ có một đường độc đạo là Trường Sơn đi vào sân bay thì tạo áp lực giao thông cho cửa ngõ vào Trường Sơn. Những con đường như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi luôn đông đặc xe trong những ngày giáp lễ như Tết dương lịch bây giờ chẳng hạn. Bình thường, những con đường này đã khá mệt mỏi khi phải cõng trên mình lượng giao thông lớn của người dân đổ từ các quận huyện phía bắc về trung tâm và ngược lại. Đến ngày lễ, nó càng mệt khi phải gánh thêm lượng người ra sân bay.
Khi đó nhu cầu người đi sân bay tăng đột biến và phương tiện thường mọi người chọn khi ra sân bay là xe taxi. Xe taxi lại chiếm một diện tích không nhỏ trên đường và nếu là hàng trăm xe hướng về sân bay trong những ngày lễ thì nó đẩy nạn kẹt xe lên cao. Thực tế thì cũng có các tuyến xe bus đưa khách ra sân bay như tuyến 152 từ Bến Thành đến Tân Sơn Nhất nhưng ít người đi vì sợ xe bus đi chậm làm trễ giờ bay. Nhưng đi taxi có nhanh hơn không?

chỉ cần hàng trăm taxi đổ vào là kẹt cứng
Nếu không bị tắc đường thì đến sân bay rất nhanh còn nếu tắc đường thì hên xui. Không ít người chủ quan nghĩ rằng đi taxi từ Bến Thành ra sân bay chỉ 20-30 phút nên trước giờ bay hơn một tiếng mới vẫy taxi. Nhưng khi đi đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa hay Nguyễn Văn Trỗi thì họ mới phát hoảng vì xe không thể nhích nhanh trên con đường kẹt. Nhiều người phải bỏ taxi vẫy xe ôm để những chiếc xe này dễ len lỏi trên vỉa hè hay các hẻm, ngách để đến sân bay.
Nhiều vị khách mồ hôi nhễ nhại ra sân bay rồi khóc ròng khi bị lỡ giờ bay lại phải làm thủ tục, nộp phí để được sắp xếp đi chuyến sau. Chỉ vì sân bay chỉ có một đường vào nhà ga mà lại trải qua những đoạn đường đày ải nên người dân mệt mỏi. Nếu như sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, nhiều cửa ngõ tiếp nhận khách từ các hướng tới thay vì chỉ có đường Trường Sơn thì sẽ tiện biết bao.