Mọi người biết rằng giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết với sức khoẻ, tâm trạng và trạng thái tinh thần nói chung. Chỉ một đêm khó ngủ cũng có thể khiến chúng ta khó chịu và ảnh hưởng đến năng suất hoạt động của chúng ta, và nếu mắc phải bệnh thiếu ngủ kinh niên, ta có thể phải đối mặt với những những vấn đề nghiêm trọng như đau tim hoặc rút ngắn tuổi thọ.
Một nghiên cứu mới trong tạp chí chuyên ngành Sleep Health (Sức khoẻ giấc ngủ) đã ghi nhận lại những nhận thức sai lầm về giấc ngủ và đưa ra giải đáp đúng đắn cho mọi người. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sưu tầm những lầm tưởng về giấc ngủ phổ biến nhất và xếp hạng chúng dựa trên các yếu tố như độ thực tế và tầm ảnh hưởng của chúng với sức khoẻ con người nói chung và sau đây là 8 lầm tưởng ấy:
Người lớn chỉ cần ngủ 5 tiếng mỗi ngày
Các nhà khoa học cho rằng lầm tưởng này ảnh hưởng tệ nhất đến sức khoẻ cộng đồng. Việc thiếu ngủ thường xuyên có thể gây ra nhiều hệ quả trong thời gian dài, ví dụ như làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh trầm cảm, ảnh hưởng chức năng nhận thức cũng như tiểu đường, béo phì… Theo như Trung tâm quản lý và ngăn chặn bệnh dịch Mỹ (CDC), người lớn cần từ 7 đến 9 giờ ngủ mỗi đêm và không nên ít hơn.
“Có thể mỗi người cần thời gian nghỉ ngơi khác nhau… nhưng tôi không nghĩ rằng có cách biệt quá lớn. Tôi cho rằng bạn có thể quen với việc ngủ ít đi, nhưng nó cũng đồng nghĩa việc quen với sự mệt mỏi,” bác sĩ Steven H. Feinsilver, trưởng Trung tâm nghiên cứu thuốc ngủ ở bệnh viện Lenox Hill (New York, Mỹ) cho hay.
Xem TV trước khi ngủ là một cách thư giãn
Có lẽ bạn đã biết rằng điều này là không đúng, và nó cũng tương tự với những thiết bị điện tử khác chứ không chỉ TV: điện thoại, máy tính bảng… Việc sử dụng những món đồ này trước khi ngủ không phải là ý tưởng hay.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện tử có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ và các bệnh liên quan. Bác sĩ Feinsilver cho rằng giường là nơi để ngủ và bạn không nên nằm trên giường để sử dụng thiết bị điện tử.
Việc ngủ vào giờ nào trong ngày không quan trọng
Phần lớn cơ thể chúng ta có cơ chế hoạt động dựa trên nhịp sinh học, và nhịp sinh học này lại dựa trên sự mọc và lặn của mặt trời. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như gia đình, công việc và đời sống xã hội, chúng ta thường không còn ngủ nhiều vào buổi tối. Trong khi việc bỏ lỡ giấc ngủ đôi khi có thể không gây hại nhiều, nhưng việc không ngủ đủ và không có giờ giấc ngủ cố định trong thời gian dài sẽ có hiệu ứng tệ với sức khoẻ. Các nhà khoa học cho rằng những cá nhân có thời gian biểu làm việc vào ban đêm thường xuyên phải trải qua hiện tượng lệch nhịp sinh học và có chất lượng giấc ngủ rất thấp. Họ cũng có nhiều nguy cơ bị trầm cảm và tiểu đường.
“Giờ giấc ngủ rất quan trọng,” Rebecca Robbins – tác giả của bài viết trên tạp chí chuyên ngành Sleep Health cho hay. “Đó là lý do vì sao chúng tôi nhận thấy những hiểm nguy về sức khoẻ ở những người làm việc ban đêm”.
Chỉ cần nhắm mắt mà không cần ngủ cũng được
Nhiều người cho rằng việc nhắm mắt và nằm nghỉ cũng có tác dụng tương tự với việc ngủ, cho dù bạn có không ngủ được. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng nhận định này là sai lầm và thậm chí còn có thể gây hại nhiều hơn bạn nghĩ.
Mọi thứ trong cơ thể bạn, bao gồm tim, phổi cùng các bộ phận đều có cách vận hành khác giữa lúc đầu óc bạn tỉnh táo và lúc ngủ. Nếu bạn ý thức được mình đang tỉnh, thì cả cơ thể bạn cũng vậy. Không thể lẫn lộn giữa việc ngủ và nhắm mắt khi vẫn còn tỉnh táo được. Các tác giả của nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy hoạt động nhận thức khi một người đang ngủ khác hoàn toàn so với khi nhắm mắt nhưng vẫn tỉnh.
Có thể ngủ bất kể thời gian, nơi chốn là dấu hiệu tốt về sức khoẻ
“Một người ngủ tốt sẽ mất vài phút để thật sự ngủ. Thậm chí chúng tôi còn thấy rằng nếu một người ngủ ngay lập tức khi vừa nhắm mắt, nghĩa là người đó đang thiếu ngủ”. Bác sĩ Robbins cho hay.
Việc ngủ được mọi lúc, mọi nơi thường được nhiều người xem như một loại “tài năng”, tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn thiếu ngủ và cần xem lại lối sống.
Tiêu thụ chất có cồn giúp bạn ngủ ngon hơn
Một cốc bia hoặc một ly rượu brandy trước khi ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn – đây là một điều mà nhiều người tin tưởng và truyền tai nhau. Tuy nhiên, nó không thực sự như thế, và thậm chí còn có thể khiến bạn cảm thấy tệ hơn.
“Không chỉ bản chất việc này là sai, mà nó còn gây nguy hiểm. Nó không tốt cho giấc ngủ chút nào”. Bác sĩ Feinsilver cho hay. Thậm chí, uống rượu trước khi ngủ còn có thể gây nên hiện tượng tắc nghẽn đường thở khi ngủ.
Não bộ và cơ thể của bạn cũng có thể học cách hoạt động tốt khi ngủ ít hơn
Giữa những phương diện như học tập, làm việc, các mối quan hệ, ngủ có thể bị xem là kém quan trọng. Bác sĩ Robbins cho hay: “nhiều người tin rằng nếu họ cố gắng thì họ có thể sống sót qua những hệ quả của việc thiếu ngủ. Bạn chỉ cần cố gắng làm quen và uống vài cốc cà phê, thế là bạn có thể có năng lượng.”
Tuy nhiên điều này là sai. “Tất cả mọi bằng chứng đều cho thấy rằng bệnh mất ngủ kinh niên, nghĩa là ngủ ít hơn 5 – 6 giờ đồng hồ có thể mang lại nhiều hệ quả xấu về sức khoẻ mà bạn không thể nào tránh được”. Robbins nói.
Ngáy to không phải là điều đáng lo
Điều đáng lo nhất có lẽ là làm phiền người khác, chứ bản thân việc ngáy không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ. Đây là điều nhiều người tin tưởng, nhưng theo các nhà khoa học, việc ngáy to có thể là triệu chứng phổ biến của chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ. Ngáy to thường xuyên có thể là dấu hiệu đường thở bên trong đang bị chặn lại vào ban đêm, song không phải người nào ngáy cũng mắc bệnh này, song nếu bạn ngáy to và cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày thì khả năng cao là bạn bị tắc nghẽn đường thở rồi đấy.