Ông Đỗ Cao Bảo sinh ngày 18/06/1957, là cử nhân Toán điều khiển – Học viện kỹ thuật quân sự. Đầu năm 2016, theo trang tin của FPT, tập đoàn này đã bổ nhiệm Chủ tịch FPT IS ở thời điểm đó – tức ông Đỗ Cao Bảo – vào vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh chung của FPT.
Ông Cao Bảo phụ trách các khách hàng chiến lược, các dự án, đề án chiến lược, cấp bộ, nhà nước, phụ trách hoạt động đối ngoại chung và công tác truyền thông của tập đoàn FPT. Ông cũng là Uỷ viên hội đồng quản trị của tập đoàn.
Mới đây, “người đàn ông quyền lực” của FPT gây bão cộng đồng mạng khi viết bài phân tích về nguyên nhân người Việt mãi nghèo, thu hút hàng nghìn lượt bấm yêu thích, bình luận và chia sẻ.
Theo ông Cao Bảo, sự lười biếng, dễ hài lòng, tư duy nhỏ, áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác và nền tảng triết học yếu, không chuẩn là những điểm yếu cố hữu cản trợ sự phát triển, khiến người Việt mãi nghèo.
Khi phân tích nguyên nhân “Lười biếng, dễ hài lòng”, ông Đỗ Cao Bảo cho rằng, người Việt rất hứng thú “sum vầy bên con cháu” và “60 tuổi đã lên lão”.
Trong khi đó, tại Singapore, tất cả công việc giản đơn như kéo xe đẩy, dọn vệ sinh, lau chùi nhà WC đều do những ông, bà cụ cỡ 65-75 tuổi làm. Đi taxi thì hầu hết lái xe đều do các cụ ông tóc bạc tuổi từ 65-75 lái. Trong thành phố tất cả những người nhặt rác, dọn vệ sinh đều do các cụ bà tuổi từ 65-75 làm. Còn người Việt, nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi đã về hưu và về hưu là không làm việc.
Phó Tổng giám đốc FPT phân tích, trong xu thế tuổi thọ con người ngày càng tăng, hầu hết các nước đều nâng tuổi về hưu (Mỹ 67 tuổi, Nhật 68 tuổi, Pháp 62 tuổi) thì Việt Nam vẫn giữ nữ 55, nam 60 từ cách đây 62 năm khi mà tuổi thọ thấp hơn hiện nay 10 tuổi.
“Thanh niên không chịu lập nghiệp, nằm chờ người khác tạo công ăn việc làm cho mình, giờ làm việc thì bớt xén, người còn sức lao động, chưa già đã muốn nghỉ “an nhàn tuổi già”, “sum vầy bên con cháu” thì mãi mãi nghèo cũng là chuyện không thể khác” – Ủy viên hội đồng quản trị FPT đánh giá.
Ông Cao Bảo cho rằng, sự lười biếng của người Việt còn thể hiện ở điểm: Rất ít người nghĩ mình tự lập nghiệp, tự tạo ra công ăn việc làm cho chính mình và cho xã hội. Những người có việc làm ở công sở thì hoặc sáng đến muộn giờ, hoặc đến đúng giờ chỉ để điểm danh rồi đi ăn sáng, giữa giờ làm việc thì lại chốn ra quán cafe giải khát ngồi tán gẫu.
“Không chịu vận động làm cho người thiếu sức dẻo dai, ảnh hưởng đến năng suất lao động” – ông Đỗ Cao Bảo phân tích.
Theo Phó Tổng giám đốc FPT, đi xe máy khi không cần thiết sẽ làm tăng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, lãng phí tiền xăng.
Khi phân tích nguyên nhân thứ 2 – “Tư duy nhỏ, quanh quẩn xó nhà”, ông Cao bảo cho rằng, nếu không có tư duy lớn, người Việt sẽ chỉ làm những việc bé, không có những công ty lớn thì không thể cạnh tranh quốc tế, không thể làm được những việc lớn.
Ông cũng cho rằng, các doanh nhân Việt không dám nghĩ lớn, không dám đương đầu, cạnh tranh sòng phẳng với các hãng nước ngoài, dù là trên sân nhà.
Vì thế, thật đáng buồn khi các thương hiệu Việt bị các hãng nước ngoài nuốt chửng, mất luôn tên tuổi. Trong đó có thể kể đến kem đánh răng Dạ Lan bị Colgate Palmolive nuốt, kem đánh răng PS về tay Unilever, bia Huế về tay Carlsberg Đan Mạch, Tribeco về tay Uni-President, Phở 24 và Highland Coffe về tay Jollibee Ford…
Ông cho rằng, các doanh nghiệp Việt có điểm yếu kém là chỉ quanh quẩn trong đất nước, thậm chí thành phố, tỉnh của mình, không có khát vọng vươn ra biển lớn, toàn cầu hoá.
Khi phân tích bản tính xấu của người Việt trong nguyên nhân thứ 3, ông Bảo nhìn nhận, hệ quả của việc áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không chấp nhận người khác chính kiến cùa mình là vô cùng lớn.
Ở ý cuối cùng “Nền tảng triết học yếu lại không chuẩn”, ông Cao Bảo cho rằng, không chỉ chia người kinh doanh thành 3 loại, bao gồm cả “con buôn”, mà điều tệ hại là có người còn kết luận hiện Việt Nam chưa có doanh nhân.
Phó Tổng giám đốc FPT cho rằng, người Việt chưa có đánh giá đúng về thương mại và doanh nhân. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra nhận xét: “Chân thành, tin cậy, đáng yêu, có trách nhiệm với xã hội là bốn đức tính đáng quí nhất của một doanh nhân. Thiếu bốn đức tính đó thì không thể là một doanh nhân lớn, không thể thành công trong thương mại. Nếu có thành công thì chỉ là thành công nhỏ, tạm bợ mà thôi”.
Trong khi người Việt có 2 thái cực đầy mâu thuẫn về tiền bạc, các xã hội phát triển, văn minh họ đánh giá đúng giá trị đồng tiền, không tuyệt đối hoá, không coi khinh đồng tiền mà coi đồng tiền là phương tiện trao đổi hàng hoá.
Đồng tiền là thước đo giá trị lao động giúp họ có cuộc sống tốt hơn, đào tạo nâng cao trình độ, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, báo hiếu cha mẹ, giải trí, du lịch và làm công tác xã hội.