Nhiều người nghĩ rằng ngủ ngáy chỉ là hiện tượng bình thường mà ai cũng dễ gặp phải trong khi ngủ. Tuy nhiên, trên thực tế, chứng ngủ ngáy có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Ngáy là tình trạng âm thanh được tạo ra do luồng không khí đi qua một khe hẹp ở vùng hầu – họng, làm rung niêm mạc tại chỗ và những mô xung quanh.
Chuyên gia y học về giấc ngủ Kent Smith, Chủ tịch của Học viện Ngủ và Thở Mỹ, cho biết: “Khi không khí cố gắng đi qua khe hẹp này, các mô sẽ đập vào nhau. Thông thường, tiếng lạch cạch này là nguồn gốc của âm thanh ngáy”.
Nguyên nhân
Theo Live Strong, hiểu được điều gì gây ra tiếng ngáy ồn ào là bước đầu tiên giúp bạn tìm ra giải pháp điều trị.
Bạn bị tắc nghẽn: Chuyên gia Smith cho biết khi bạn bị cảm lạnh hoặc dị ứng bùng phát, bên trong mũi sẽ sưng lên. Khi đó, khoang mũi sẽ không có nhiều chỗ và bạn phải làm việc nhiều hơn để hít không khí vào. Điều này có thể làm cho mô bên dưới rung lên, gây ra tiếng ngáy.
Phì đại Turbinate là tình trạng khác khiến bạn có nguy cơ mắc chứng ngáy ngủ do viêm. Nó gây sưng tấy niêm mạc đường mũi, ngăn chặn luồng không khí.
Bạn đang kiệt sức: Mọi người có nhiều khả năng bị nghẹt mũi khi họ mệt mỏi. Mệt mỏi khiến lực cơ giảm xuống, mô cổ họng trở nên mềm và tạo ra nhiều tiếng ồn hơn.
Bạn đang mang thai: Khi bạn mang thai, mức độ progesterone tăng lên. Được gọi là hormone thai kỳ, progesterone giúp nuôi dưỡng bào thai đang phát triển, đồng thời, cũng là nguyên nhân gây ra tiếng ồn vào ban đêm. Nó gây sưng tấy các màng lọc, dẫn đến nghẹt mũi và ngủ ngáy.
Người trên 55 tuổi: Khi chúng ta già đi, trọng lực có nhiều ảnh hưởng hơn. Các cơ trở nên yếu hơn và mô cổ họng trước đây thường không hoạt động bắt đầu chảy xệ. Sau 55 tuổi, lưỡi cũng trở nên lười biếng hơn. Bạn mất năng lượng thần kinh ở lưỡi, vì vậy, bạn không thể di chuyển nó ra khỏi lưỡi khi đang ngủ.
Tăng cân: Một số người tích trữ chất béo ở đáy lưỡi hoặc phía sau cổ họng, điều này sẽ làm thu hẹp cổ họng. Chu vi phần cổ bên ngoài càng lớn (40-43 cm), nguy cơ ngưng thở bên trong càng lớn.
Uống rượu sau bữa tối: Cồn tạo điều kiện tăng nguy cơ ngáy. Rượu giúp thư giãn cơ cổ họng nhiều hơn là cơ ngực, nơi chúng ta sử dụng để thở.
Hút thuốc: Những người hút thuốc dễ ngủ ngáy gấp 2 lần so với những người khác. Khói thuốc lá kích thích niêm mạc khoang mũi và họng, gây sưng và viêm. Điều này làm tắc nghẽn, khiến bạn khó thở bằng mũi. Những người hít phải khói thuốc của người khác hút cũng có nguy cơ ngáy.
Nằm ngửa khi ngủ: Ở tư thế nằm ngửa, trọng lực cho phép lưỡi trượt về phía sau cổ họng, hạn chế luồng không khí hít vào. Ngoài ra, các mô ở phía sau cổ họng cũng bị rủ xuống, gây tắc nghẽn khí quản.
Sử dụng thuốc an thần: Theo National Sleep Foundation, các loại thuốc như ativan và valium có thể làm tăng khả năng ngủ ngáy vì chúng giúp thư giãn các cơ, bao gồm cả những cơ trong cổ họng.
Tác hại khi ngủ ngáy
Theo Mayo Clinic, nhiều bằng chứng cho thấy ngáy to có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, ngay cả khi bạn không bị ngưng thở.
Các nhà nghiên cứu phát hiện sự rung động của tiếng ngáy gây ra những vết rách nhỏ trong niêm mạc động mạch. Sau đó, cơ thể sẽ sửa chữa bằng cách tạo ra các mảng bám. Sự tích tụ mảng bám đó làm tăng khả năng đột quỵ.
Ngoài ra, ngáy to còn ảnh hưởng đến người ngủ bên cạnh bạn. Họ có thể có giấc ngủ kém chất lượng, bị gián đoạn, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.
Bên cạnh đó, mức oxy tăng lên và xuống thấp liên tục cùng với sự gia tăng của hormone căng thẳng adrenaline trong đêm sẽ gây áp lực tới tim, não và các mạch máu.
Tiếng ngáy to, thường xuyên, gián đoạn cũng là dấu hiệu báo trước của chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu ngáy, bạn dễ bị ngưng thở khi ngủ. Chứng ngưng thở không được điều trị theo thời gian có thể gây huyết áp cao, đau tim, đột quỵ, suy tim sung huyết, các vấn đề về nhịp tim, liệt dương, tiểu đường, Alzheimer, thậm chí là ung thư.
Cách điều trị
Để điều trị chứng ngáy ngủ, trước tiên bác sĩ có thể đề nghị bạn thay đổi lối sống, như bỏ hút thuốc, giảm cân, ngừng uống rượu trước khi ngủ…
Theo Webmd, đối với chứng ngáy do bệnh, bạn có thể được sử dụng một thiết bị nhựa nhỏ trong miệng khi ngủ. Nó giữ cho đường thở mở bằng cách di chuyển hàm hoặc lưỡi của bạn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cho người ngáy nặng. Phương pháp này có thể loại bỏ hoặc thu nhỏ các mô trong cổ họng hoặc làm cho vòm miệng mềm trở nên cứng hơn.
Bên cạnh đó, bạn có thể thử một số giải pháp dưới đây để có giấc ngủ ngon:
– Ngủ nghiêng, không nằm ngửa.
– Nâng cao đầu giường một chút.
– Sử dụng thuốc thông mũi để mở đường thở. Lưu ý không dùng quá 3 ngày mà không có sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
– Tạo lịch trình ngủ theo thói quen.