Tối ngày 16/1, chương trình hài Tết Táo quân năm 2017 đã có buổi ghi hình đầu tiên, hầu hết khán giả đến xem đều tỏ ra rất hào hứng để được xem những màn trình diễn của các danh hài.
Theo thông tin được biết, cũng giống như thường lệ mọi năm, Táo quân sẽ đề cập đến những vấn đề phi lý và nổi cộm trong năm.
Táo quân năm nay sẽ trực tiếp nhắc đến việc những kế hoạch không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa vào quy hoạch, thực hiện, dẫn đến hệ quả là người dân phải chịu những vấn nạn về ô nhiễm môi trường biển trên diện rộng.
Táo Môi trường nhắc lại câu phát ngôn với đại ý: “Chỉ được chọn một trong hai: cá hoặc thép” của lãnh đạo một doanh nghiệp trong vụ cá biển miền Trung chết hàng loạt năm 2016.
Câu chuyện về một số quan chức lạm quyền, bổ nhiệm con cháu tuổi đời quá trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm nắm giữ những vị trí quan trọng của bộ máy cầm quyền của nhà nước. Việc lựa chọn nhân tài và bổ nhiệm cán bộ bị thực hiện sai khiến bộ máy hoạt động trục trặc, nặng nề hơn là gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội cũng sẽ được nhắc đến trong chương trình.
Phải thừa nhận, dù đây là những vụ việc nổi cộm, nhưng đến nay chúng đã không còn nóng sốt. Trên thực tế, những vấn đề này đã được phanh phui, mổ xẻ dưới mọi góc cạnh, từ nghiêm túc chỉn chu tới hài hước, vui vẻ theo đúng phong cách mạng xã hội. Khán giả không thể không đặt câu hỏi, Táo quân sẽ tìm ra điểm mới gì để thể hiện.
Cũng không quá khắt khe khi đưa ra những nhận xét như vậy bởi lẽ chất lượng Táo quân nhiều năm nay đều bị đánh giá là ngày càng xuống dốc, nội dung ngày càng nhạt nhẽo và cũ rích.
Điển hình là năm 2015, sau khi được chiếu trên sóng truyền hình, chương trình Táo quân tưởng chừng đã rơi vào bế tắc. Tràn lan các mặt báo, mạng xã hội chê chương trình thiếu muối, nhạt nhẽo đến thảm hại. Thậm chí ở thời điểm đó còn từng có tin đồn, Táo Quân 2015 sẽ là Táo Quân cuối cùng bởi phản ứng không mấy mặn mà từ phía công chúng làm các nghệ sĩ cũng chẳng còn thiết tha. Đến mức nghệ sĩ hài Xuân Bắc còn phải lên tiếng phản pháo sẽ không làm Táo Quân nữa nếu như người người cứ tiếp tục chê bai.
Cụ thể anh viết trên trang cá nhân sau đêm giao thừa: “20h ngày 30 Tết năm sau mời mọi người xem… ca nhạc nhé!!! Năm nào phát sóng Táo xong đều: “Không hay bằng năm trước, nhạt, vớ vẩn, không đẳng cấp…”. Bọn tớ hết động lực để làm rồi và thực ra là bọn tớ không đủ trình độ để làm”mặn” hơn một món ăn trong bữa tiệc mà các bạn có để đón Tết.”
Hay Táo Quân năm 2016 cách đây một năm, nội dung cũng không có gì mới lạ, chủ yếu cũng xoay quanh những vấn đề “năm nào cũng nhắc” của chương trình này từ trước đến nay như nạn tham nhũng – đút lót, ý thức tham gia giao thông, an toàn thực phẩm,… Kịch bản thiếu ý tưởng, bí bách ngôn từ đến mức khi xem kỹ lại chỉ có thể thấy quanh quẩn vài câu nói : “phải chống tham nhũng”, “còn ai tin cái Thiên đình này nữa”, “hãy cùng đẩy lùi nạn tham nhũng”.
Thậm chí các diễn viên hài phải tung hứng bằng những câu ngôn tình sướt mướt vô vị, hay những câu hát được trích ra từ những bài hát vô nghĩa khiến khán giả không thể bật cười vì quá nhảm nhí.
Có thể thấy, tuy được coi là chương trình đáng để mong đợi nhất vào đêm giao thừa, thế nhưng điểm lại những năm gần đây, Táo Quân ít nhiều vẫn mang đến nỗi thất vọng cho không ít khán giả. Trong đó, điều khiến người ta ngao ngán nhất là kịch bản gây hài hoặc là không đến nơi đến chốn, hoặc quá lố dẫn đến phản tác dụng.
Trên các diễn đàn mạng, niều khán giả cho rằng họ chỉ bật Táo Quân lên như một thói quen chứ không còn mang tính thưởng thức, chương trình rõ ràng không mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái như trước đây vài năm.
Đồng quan điểm, nhà biên kịch Chu Thơm cũng từng nhận định: “Tiếng cười Táo quân ngày càng nhạt. Dù có giao vai cho các nghệ sỹ nổi tiếng thì rất khó vực dậy chất lượng chương trình. Các đài truyền hình cần đầu tư kỹ hơn ngay từ khâu kịch bản. Táo quân thì đương nhiên phải nói vấn đề thời sự của năm nhưng nói hay và nói trúng hoàn toàn khác với việc gây cười nhảm nhí”.