Như Dân trí đã đưa tin, chiều 4/1, lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” và sau này được đổi thành “Thiền am bên bờ vũ trụ”.
Qua kết quả xác minh ban đầu, đa số những đứa trẻ sống ở “Tịnh thất Bồng Lai” đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Hiện tại, nhà bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú.
Thời gian qua, nơi đây lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dư luận xã hội.
Nhóm người tại “Tịnh thất Bồng Lai” cũng được cho là sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội cá nhân khác nhau đăng nhiều video với nội dung không đúng sự thật về diễn biến vụ việc xảy ra tại đây. Chưa kể, những cá nhân ở “Tịnh thất Bồng Lai” còn có hàng loạt các facebook, fanpage trên mạng xã hội, cùng với mục đích kêu gọi từ thiện.
“Tịnh thất Bồng Lai” bước vào showbiz như thế nào?
Trước ồn ào liên quan đến vụ “Tịnh thất Bồng Lai”, có nghi vấn cho rằng, chính sự dễ dãi từ các chương trình gameshow và mạng xã hội cũng góp phần “tiếp tay” để nhóm người này lợi dụng từ thiện để trục lợi, dễ dàng qua mặt dư luận một thời gian dài? Một số cá nhân trong “Tịnh thất Bồng Lai” luôn ý thức xây dựng hình ảnh trước cộng đồng, một cách có tính toán?
Thực tế, “Tịnh thất Bồng Lai” nhận được nhiều sự chú ý, là địa điểm lui tới của nhiều cá nhân, tổ chức từ thiện sau khi những đứa trẻ ở đây đã tham gia và đạt giải cao ở một số gameshow trên truyền hình.
Năm 2014, hình ảnh thiếu nữ trong trang phục tu hành (áo lam và mũ len che đầu không có tóc) Lê Thanh Huyền Trân tham gia cuộc thi Giọng hát Việt nhí thu hút sự chú ý của khán giả. Dù chỉ đoạt giải Á quân nhưng cô bé 12 tuổi hát nhạc Trịnh thực sự làm nức lòng khán giả.
Năm 2017, 2 thí sinh nhận là “tu sĩ” Hoàn Nguyên (SN 1990) và Nhất Nguyên (SN 1991) tham gia cuộc thi hát Bolero Tuyệt đỉnh song ca của đài Vĩnh Long.
Năm 2019, nhóm 5 chú tiểu của “Tịnh thất Bồng Lai” được giới thiệu là trẻ mồ côi, từng gây náo loạn mạng xã hội khi tham gia chương trình giải trí Thách thức danh hài và đạt giải cao. Sau khi tham gia chương trình, cuộc sống và hình ảnh của các bé được cư dân mạng rất quan tâm. Kênh YouTube riêng của 5 bé có tên “5 chú tiểu – Thiền am bên bờ vũ trụ” đạt được 2 triệu người đăng ký với tổng lượt xem lên đến 833 triệu lượt…
“Tịnh thất Bồng Lai là vở kịch hoàn hảo”
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về sức hút của “Tịnh thất Bồng Lai” và sự dễ dãi của các đơn vị sản xuất gameshow, mạng xã hội đã “tiếp tay” cho nhóm người nơi đây lợi dụng “trẻ mồ côi”, hoạt động tôn giáo để trục lợi? – Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đưa ra góc nhìn riêng:
“Ở góc nhìn truyền thông thì tôi thấy “Tịnh thất Bồng Lai” được dựng lên vở kịch quá hoàn hảo. Chính những nhân vật đằng sau câu chuyện này đã dựng lên kịch bản kín kẽ, ghê gớm, đưa ra câu chuyện có nhiều yếu tố thu hút.
Có vô khối nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi, vì sao “Tịnh thất Bồng Lai” chỉ nuôi dưỡng vài người thôi cũng nổi tiếng, nhận được nhiều tiền từ thiện?
Những cơ sở nuôi trẻ mồ côi trước đây đưa lên hình ảnh luôn luôn là những đứa trẻ nhút nhát, ốm yếu, đáng thương, nhưng các bé ở đây có sự hồn nhiên, vô tư, nhí nhảnh, đáng yêu. Điểm này chính là khác biệt và thu hút dư luận.
Không chỉ đáng yêu, những đứa trẻ ở “Tịnh thất Bồng Lai” còn tài năng và nổi tiếng thông qua các gameshow, chương trình truyền hình. Các em này tham gia nhiều gameshow trên truyền hình. Những hình ảnh, câu chuyện được dựng lên cực kỳ thu hút đám đông. Nhiều người bất ngờ với suy nghĩ: trẻ mồ côi thiếu thốn tình cảm, vật chất, sự giáo dục chăm sóc, vậy sao những trẻ mồ côi này tài năng đến vậy?
Sự nổi tiếng của những cá nhân nơi này được cộng hưởng, lan tỏa từng bước, mạnh mẽ qua mạng xã hội, youtube…”.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, cộng đồng mạng là nạn nhân của câu chuyện được tô vẽ, tạo dựng về “Tịnh thất Bồng Lai”. “Cộng đồng mạng dễ dãi không? Tôi nghĩ là họ cũng chỉ là nạn nhân, bị kéo vào câu chuyện ấy. Câu chuyện “đánh” vào tâm lý của nhiều người. Họ đổ tiền vào cơ sở nuôi trẻ này vì câu chuyện về những đứa trẻ nơi đây mang đến cho người ta sự bất ngờ, vừa thích thú vừa thương cảm, vừa ngưỡng mộ nữa”, anh Nguyễn Ngọc Long nói.
Đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị sản xuất gameshow khi bị chỉ trích “truyền thông thái quá”, tạo điều kiện cho cơ sở “Tịnh thất Bồng Lai” qua mặt cộng đồng trong thời gian dài, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long thẳng thắn nhìn nhận:
“Câu hỏi đặt ra ở đây, với các chương trình gameshow, các đơn vị sản xuất – họ là nạn nhân hay đồng phạm?
Rất khó để nói các đơn vị sản xuất gameshow là nạn nhân bởi vì họ là người kinh doanh các chương trình giải trí. Câu chuyện của họ là lợi nhuận, lượng theo dõi và hiệu ứng khán giả. Nếu nói, họ kiểm tra thông tin về nhân vật tham gia chương trình không kỹ thì coi chừng mình dễ dãi, đang bị… coi thường họ quá.
Các chương trình gameshow rất nhạy trong việc đưa vấn đề, câu chuyện gì lên để khiến dư luận phát cuồng. Họ chỉ quan tâm đến rating, lượng người xem và câu chuyện nhiều drama, hấp dẫn khán giả.
Nếu có sự bắt tay ở đây, thì “Tịnh thất Bồng Lai” đạt được mục tiêu gây sự chú ý, bên sản xuất gameshow thì tạo được “hit” cho chương trình. Và nếu đúng là thế thì đấy là sự tiếp tay, dễ dãi, bất chấp lừa dối khán giả của đơn vị sản xuất.
Cuối cùng, khán giả chính là nạn nhân của những cú bắt tay như vậy. Họ bị u mê, đã trao đi sự thương cảm, ngưỡng mộ và tiền bạc nữa”.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ thêm: “Về việc Tịnh thất Bồng Lai có lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi hay không thì phải đợi kết luận từ cơ quan điều tra. Nhưng ở đây rõ ràng có sự hữu ý trong việc tạo dựng những câu chuyện về “Tịnh thất Bồng Lai” và nhiều đứa trẻ ở đây không phải trẻ mồ côi. Đây chính là sự lừa dối, lợi dụng niềm tin của cộng đồng, đáng bị lên án”.