Lối sống ít vận động, chế độ ăn nhiều muối và tinh bột khiến tỷ lệ người thừa cân, béo phì ở Việt Nam ngày càng gia tăng.

Béo phì gây tăng nguy cơ các bệnh thi ung thư, vô sinh, đột quỵ, tăng huyết áp, đái tháo đường, gout. Ảnh: IStock.

Thông tin được BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), chia sẻ tại buổi sinh hoạt khoa học “Giải pháp mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì”, sáng 2/3.

Béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Căn bệnh này gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như các tim mạch, đái tháo đường…

Ước tính, thế giới có 650 triệu người bị béo phì. Tỷ lệ này ở Việt Nam so với các nước Âu – Mỹ chưa cao nhưng có xu hướng càng ngày càng tăng nhanh.

Ngày càng nhiều người Việt bị béo phì

Theo bác sĩ chuyên khoa II Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), trong những năm gần đây, lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều.

Từ việc ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều tinh bột, dầu mỡ đến uống nhiều nước ngọt, ít rau, nhiều rượu bia. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người Việt mắc bệnh béo phì ngày càng tăng.

“Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì ghi nhận khoảng 2,6% năm 2010 lên 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng trưởng hơn 38%. Ngoài ra, theo một thống kê năm 2021, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP.HCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc”, bác sĩ Chiến cho biết.

Quốc gia Năm 2010 Năm 2014 Tốc độ tăng trưởng béo phì
Indonesia 4,3% 5,7% 33%
Malaysia 10,5% 13,3% 27%
Philippines 4,1% 5,1% 24%
Singapore 5% 6,2% 24%
Thái Lan 6,7% 8,5% 27%
Việt Nam 2,6% 3,6% 38%
Nguồn: Tackling obesity in ASEAN.

Đáng lưu ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường từ 5 đến 9 tăng 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Bác sĩ Chiến cho hay mỗi tháng, phòng khám Nội Tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận gần 6.000 bệnh nhân đái tháo đường. Trong đó, số người có bệnh đồng mắc như tăng huyết áp khoảng 70-80%, bệnh rối loạn mỡ máu khoảng 80% và khoảng 30% có tình trạng thừa cân, béo phì.

Tuy nhiên, bệnh béo phì chưa được chẩn đoán và điều trị đầy đủ. Chỉ 40% bệnh nhân mắc căn bệnh này được chẩn đoán và 20% bệnh nhân được điều trị.

benh beo phi anh 1

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM). Ảnh: Linh Thùy.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Như Hảo, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh béo phì làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh.

“Một người có chỉ số khối cơ thể bình thường, 80% họ có khả năng sống đến 70 tuổi. Nhưng khi bị bệnh béo phì, chỉ số BMI của cơ thể tăng từ 35 đến 40, khả năng sống còn đến 70 tuổi của họ chỉ còn 60%. Con số này giảm còn 50% khi chỉ số BMI tăng cao hơn 40 đến 50”, bác sĩ Hảo giải thích.

Béo phì thúc đẩy hình thành “đại dịch” mới

Bác sĩ chuyên khoa II Thái Văn Hùng, Phòng khám tư vấn và điều trị giảm cân, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nêu thực trạng nhiều bệnh nhân Việt Nam hiện nay đang tìm kiếm và sử dụng các phương pháp giảm cân chưa chính thống, nhiều loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe và đời sống.

Bác sĩ này cho biết không ít bệnh nhân nhập cấp cứu tại các cơ sở y tế trong tình trạng chân, tay sưng phù, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi, suy gan cấp, suy chức năng thận do giảm cân sai cách.

“Nhiều trường hợp bệnh nhân mệt mỏi, da mẩn đỏ, người lả đi, được chẩn đoán suy nhược cơ thể do lạm dụng các sản phẩm hay viên uống giảm cân không rõ nguồn gốc, mua được trên các trang mạng xã hội”, bác sĩ Hùng cảnh báo.

benh beo phi anh 2

Bệnh nhân đang được điều trị béo phì tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ảnh: An Quý.

Bác sĩ Võ Đức Chiến cũng nhấn mạnh tình trạng tự điều trị béo phì không có hiệu quả dẫn đến nhiều biến cố sức khỏe và tốn kém.

Căn bệnh có tác động bất lợi lên tất cả vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống còn của người bệnh thông qua hơn 200 bệnh lý khác nhau như đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, tăng lipid máu, ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ…

Những người thừa cân, béo phì có tình trạng tăng đề kháng insulin, làm giảm tiêu thụ đường ở mô ngoại biên. Từ đó, lượng đường trong máu tăng, dẫn đến đái tháo đường type II. Một số nghiên cứu ghi nhận người béo phì và thừa cân có nguy cơ đái tháo đường cao gấp 2 lần so với người cân nặng bình thường.

Theo bác sĩ Thái Văn Hùng, hiện nay, đái tháo đường trở thành “đại dịch” trên toàn thế giới với tỷ lệ mới mắc và tần suất lưu hành ngày càng gia tăng.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), dân số mắc căn bệnh này sẽ tăng từ 463 triệu người vào năm 2019 lên khoảng 700 triệu người vào năm 2045. Trong số đó, gần 80% người bệnh sống ở các nước thu nhập trung bình, thấp.

Trong “đại dịch đái tháo đường thế giới”, tỷ lệ người châu Á mắc bệnh chiếm đến 60%. Việt Nam cũng không ngoại lệ với tỷ lệ hiện mắc bệnh đái tháo đường ngày càng cao.

Năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường type II khoảng 5,7%, tức khoảng 3,8 triệu người. Dự kiến, đến năm 2045, tỷ lệ này sẽ tăng lên 7,7%. Với tốc độ này, số người mắc đái tháo đường sẽ tăng lên gần gấp đôi, tương đương 6,1 triệu người. Tại TP.HCM, tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường type II ước tính khoảng 11%.

Theo Bích Huệ – Linh Thùy (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link