Đó là kết quả nghiên cứu mới vừa được các nhà nghiên cứu của Đại học Pennsylvania và Đại học Stony Brook (Mỹ) công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Proceedings of the National Academy of Sciences).
Nghiên cứu được thực hiện trên gần 1.200 người sử dụng facebook. Trong số đó, có 114 người được chẩn đoán bị trầm cảm. Sau đó họ xem lại tất cả những gì mà những người này đã đăng tải trên facebook của mình, theo Daily Mail.
Ngoài ra, để tạo ra một thuật toán xác định các dấu hiệu của bệnh, các nhà nghiên cứu cũng đã xem những thông tin được đăng tải trên facebook của 524.292 người khác trong nhiều năm liên tục.
Họ tin rằng thuật toán họ đang sử dụng có thể phân tích được những thông tin đăng tải trên mạng xã hội và cảnh báo nếu người đó có những triệu chứng của bệnh.
Kết quả họ đã xác định được những cụm từ và từ mà những người có dấu hiệu trầm cảm và lo lắng thường xuyên sử dụng nhất. Còn có 200 chủ đề mà họ hay viết trên trang facebook của họ.
Chẳng hạn, những người đang bị hội chứng trầm cảm và tâm trạng buồn phiền trong nhiều tháng liên tục thường dùng những từ “nước mắt” và “muốn khóc”. Họ xưng hô bằng đại từ “tôi”.
Họ dùng những từ ngữ khác thể hiện sự thù địch và sự cô đơn.
“Những dữ liệu trên mạng xã hội chứa đựng những thang chuẩn xác định những tình trạng của con người như những thang chuẩn trong bộ gien”, Johannes Eichstaedt, một thành viên trong Dự án Vì sự Hạnh phúc của Thế giới nói với Daily Mail.
Những thang chuẩn này cho thấy được quá trình tiến triển tình cảm và nhận thức bên trong của mỗi người. Từ đó, họ có thể tiên đoán được người đó liệu có bị bệnh trầm cảm trong thời gian sắp tới không.
“Mạng xã hội thật sự không tốt cho sức khỏe tinh thần của một người. Nhưng nó lại là công cụ quan trọng để giúp chẩn đoán, theo dõi và thậm chí điều trị bệnh hiệu quả”, H. Andrew Schwartz, một trong những nhà khoa học thực hiện nghiên cứu trên, nói.