Bokator là quốc võ của Campuchia, bắt nguồn từ những đội quân của Angkor cách đây hơn 1.700 năm. Theo truyền thuyết địa phương, bokator có nghĩa là “đạp một con sư tử”. Khi đó, một chiến binh với một con dao nhỏ và bằng đầu gối của mình đã giết chết được con sư tử ấy. Sau đó, người chiến binh ấy tái hiện lại những chiêu thức mà ông đã dùng để đối phó với con sử tử kia.
Cũng như nhiều phong cách võ thuật khác của châu Á, bokator mô phỏng theo rất nhiều động tác của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, nó có 2 điểm khác biệt rất quan trọng là tính tàn bạo và thực tiễn rất cao. Bokator được sử dụng trên chiến trường với trên 10.000 kỹ thuật khác nhau chủ yếu dùng sức mạnh của khuỷu tay, đầu gối, cẳng chân… Hiện tại, ai học được chỉ 1/10 số chiêu thức trên là đạt đai đen (bậc đai cao nhất bokator).
Sức sống mạnh mẽ trong dòng chảy hiện đại của MMAChenda Roth – võ sĩ bokator nổi tiếng của Campuchia cho biết môn quốc võ này đang có sức sống mãnh liệt. Với việc sử dụng nhiều đòn thế cơ bản bằng chỏ và đầu gối, những ai tập bokator có thể dễ dàng chuyển lên đánh MMA – hình thái võ thuật sử dụng nhiều môn khác nhau, đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới.
“Tôi có thể kiếm tiền nhiều hơn trong lồng (nơi các võ sĩ MMA thi đấu) hơn là thông qua môn võ truyền thống”, Tok Sophon – một võ sĩ bokator sau đó chuyển sang đánh MMA cho biết. Trong trận đấu đầu tiên của mình tại Malaysia năm 2014, Sophon kiếm được 1.000 USD, cao gấp 30 lần so với ở quê hương.
MMA thông qua các giải đấu của mình như One Championship hay UFC là cỗ máy kiếm tiền khổng lồ. Sức hút khủng khiếp đó khiến số người theo tập MMA ngày càng đông ở Campuchia. Nhưng điều đáng mừng, điều đó không ảnh hưởng đến bokator.
Trái lại, nền tảng từ bokator giúp các võ sĩ Campuchia nhanh chóng thích ứng với MMA. Đồng thời các tay đấm của quốc gia này cũng khát khao chinh phục MMA để thế giới biết đến nhiều hơn đến tinh hoa võ thuật của Campuchia.
Hiệp hội MMA của Campuchia đã được thành lập với trên 100 võ sĩ có thể thi đấu chuyên nghiệp. Họ tin rằng mức độ phổ biến của MMA sẽ làm tăng sự quan tâm đến bokator. “Chúng tôi đang tích hợp võ thuật cổ đại với MMA. Thế giới sẽ biết đến môn võ của chúng tôi thông qua MMA”, Vath Chamroeun – thành viên của Ủy ban Olympic Campuchia cho biết trên AFP.
Quốc võ của Campuchia tưởng chừng đã bị mai một khi đất nước sống trong chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Nhiều sách sở, tư liệu bị đốt khiến nhiều thanh niên của quốc gia này không biết đến môn võ thuật truyền thống có tuổi đời gần 2.000 năm. Tuy nhiên, tâm huyết của một số võ sư, nổi bật là San Kim Sean đã giúp bokator tồn tại và phát triển.
Vì thời cuộc, võ sư San phải chạy trốn ra nước ngoài và trở lại Campuchia vào năm 1995 để dạy võ bokator. Đầu những năm 2000, ông thuyết phục một số đồng nghiệp khác đứng lớp để truyền thông tinh hoa của dân tộc cho những thế hệ sau. Bắt đầu từ năm 2004, bokator trở nên phổ biến tại Campuchia. Và đến năm 2009, Học viện bokator Campuchia trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn võ thuật thế giới.
Bệ phóng từ chính phủ CampuchiaChính phủ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang làm hết sức để phổ biến quốc võ của dân tộc. Ở tầm quốc tế, họ tiếp tục làm hồ sơ trình UNESCO (tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc) để công nhân nhận bokator là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Quyết định cuối cùng sẽ có trong cuối năm 2018.
Võ sư San Kim Sean đã dày công sưu tầm và minh họa chi tiết hơn 3.000 kỹ thuật để gửi đến UNESCO. Ông nói: “Chúng tôi muốn mang bokator đến tất cả mọi người. Đó là di sản của Campuchia. Nếu UNESCO chấp nhận, tất cả 10.000 ngôi đền ở Campuchia sẽ thực hiện những nghi lễ truyền thống của mình”.
Trong nước, Chính phủ Campuchia đang có kế hoạch đưa bokator vào đào tạo trong quân đội. Trong năm 2017, quốc gia này bắt đầu triển khai việc đào tạo 300 HLV chuyên nghiệp để phổ cập môn thể thao này tại các địa phương. Hiện tại, một số trường đã đưa bokator vào giảng dạy.
Tuy nhiên, những người có trách nhiệm muốn thu hút thêm nhiều đối tượng tham dự, đặc biệt là phụ nữ. Tep Vathana, một sinh viên 21 tuổi tại Phnom Penh tiết lộ cô theo tập bokator trong hai tuần với mức học phí chừng 50 USD. Ngoài mục đích để rèn luyện sức khỏe, Vathana cho rằng môn võ này rất hữu ích để các cô gái có thể tự bảo vệ mình, đặc biệt với nạn quấy rối tình dục.
Chenda Roth cho biết ở Campuchia chỉ có 6 đến 7% số người tập bokator là phụ nữ, con số quá ít. Cô cũng như những người khác muốn có thêm nhiều người bạn đồng thời tập luyện môn này, vừa là cách để giữ sức khỏe vừa khơi dậy niềm tự hào khi lưu giữ tinh hoa võ thuật của Campuchia.
Bokator gồm có 6 bậc đai với tổng cộng 10 cấp độ. Đầu tiên là đai trắng, tiếp đến là đai xanh lá cây, xanh dương, đỏ, nâu và cuối cùng là đai đen. Sau khi hoàn thành những bước sơ cấp, các chiến binh mặc krama đen ít nhất là 10 năm. Để đạt krama vàng, người đó phải là một võ sư thực thụ và có cống hiến cho bokator.
Bokator có thể chiến đấu bằng tay không và vũ khí. Thông dụng nhất là gậy và kel (dụng cụ bảo vệ cẳng tay bằng tre). Và quan trọng nhất là kramar (khăn) truyền thống của người Campuchia. Nó được quấn quanh eo, đầu và bắp tay của các chiến binh.
Hiện tại, bokator không chỉ xuất hiện ở Campuchia. Môn võ này còn được đào tạo tại Italy, Pháp và Iran. Đó là những bằng chứng cho thấy bokator không hề bị lép vế trước các môn võ khác.
Chính phủ Campuchia đang phát triển bokator mạnh mẽ khi đào tạo nhiều HLV, mở nhiều trường đào tạo khắp đất nước đồng thời cử đội tuyển dự festival võ thuật thế giới. Với những VĐV hàng đầu, họ nhận được khoản trợ cấp 450 USD/tháng để đảm bảo cuộc sống, an tâm cống hiến cho bokator.
Một trong những lý do giúp bokator có sự phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây nhờ việc quảng bá hiệu quả. Cách đây gần 9 năm, nghệ sĩ người Pháp Daniel Perrier đã đến Campuchia nghiên cứu về tinh hoa, văn hóa võ thuật của quốc gia này.
Sau đó nhờ sự giúp đỡ của võ sư San Kim Sean, ông đã thực hiện bộ phim tài liệu mang tên ne Breve Histoire du Bokator – giới thiệu đến đông đảo bạn bè quốc tế. Mới đây nhất, môn võ này đã xuất hiện trong tác phẩm điện ảnh Jailbreak với những pha hành động đặc sắc.