Tập thể dục thường xuyên là một thói quen rất tốt. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường gặp khó khăn trong việc duy trì chế độ tập luyện.
Lý do có thể đến từ một chấn thương hay chỉ đơn giản là một thời gian bạn bỗng trở nên lười biếng. Sẽ không khó để quan sát thấy những thay đổi của cơ thể khi chúng ta dừng luyện tập, điển hình là với các vận động viên về hưu.
Khoa học gọi những hiệu ứng này là “ngưng tập luyện”, nó có thể gây ra một loạt các thay đổi sinh lý trong cơ thể chúng ta.
Trước hết, hãy nói về các phép đo để xác định mức độ luyện tập thể dục của một người. Có thể đó chỉ đơn giản là việc đếm số lần bạn chống đẩy được trong một phút, tính thời gian bạn giữ được mình trên xà.
Hay phức tạp hơn nữa là các phép đo định lượng sức mạnh cơ bắp và độ bền.
Tuy nhiên, các phép đo trên đều mang tính chủ quan với từng người. Để khách quan hơn trong việc đánh giá quá trình luyện tập, các nhà khoa học thường sử dụng thang đo với sự hấp thụ oxy tối đa (VO2 max).
Sự hấp thụ oxy tối đa là khối lượng tối đa oxy cơ thể bạn sử dụng cho hô hấp tế bào để tạo ra ATP. ATP (Adenosine Triphosphate) là các phân tử mang năng lượng.
Chúng cung cấp năng lượng cho mọi nhu cầu sinh học của chúng ta bao gồm cả sức mạnh của cơ bắp. Chính vì vậy, những phép đo VO2 max sẽ phản ánh chính xác quá trình luyện tập của bạn.
Việc tập luyện thường xuyên sẽ đem lại cho cơ thể bạn một loạt các lợi ích. Nhà sinh lý học Andreas Bergdahl ví dụ về việc duy trì chạy bộ mỗi tuần.
Điều này làm tăng hiệu quả làm việc của hệ tim mạch, lượng máu được bơm nhiều hơn trong mỗi lần tim co thắt, số lượng các mao mạch tăng. Điều này cũng làm tăng kích thước và số lượng ti thể, những nhà máy sản xuất năng lượng cho tế bào.
Tất cả điều này dẫn đến lợi ích khi oxy được sử dụng hiệu quả hơn trong mỗi tế bào. Bạn thường không biết rõ quá trình này mà chỉ cảm nhận được sự gia tăng của sức mạnh của cơ bắp, sự dẻo dai, linh hoạt.
Khi đột ngột dừng việc tập luyện, các lợi ích trên sẽ hoàn toàn biến mất. Trước hết là chỉ số hấp thụ oxy tối đa sẽ giảm. Quá trình này được gọi là “ngưng tập luyện” và nó sẽ xảy ra ngay tức thì.
Không lâu sau bạn sẽ nhận ra những vấn đề kéo theo như sự sụt giảm của sức mạnh cơ bắp, sức chịu đựng, tính dẻo dai và bền bỉ. Nồng độ đường trong máu gia tăng và điều này còn có thể đúng với cả huyết áp.
“Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số VO2 max suy giảm từ 7-10% sau 12 ngày gián đoạn tập luyện, 14-15% sau 50 ngày và 16-18% sau 80 ngày”.
Bergdahl nói. “Lượng máu bơm qua tim trong từng đợt co thắt và khả năng trích xuất oxy của ti thể giảm trong khi đó tốc độ nhịp tim lại tăng”.
Tăng cân cũng là điều dễ nhận thấy. Nhà sinh lý học Harry Pino nói rằng các tế bào cơ và tế bào chất béo hoàn toàn khác nhau.
Khi bạn ngừng việc luyện tập, các tế bào cơ sẽ tự động trở nên nhỏ hơn vì giờ đây chúng ta có ít nhu cầu hơn về sức mạnh và năng lượng. Trong khi đó, nó tạo điều kiện cho các tế bào mỡ lớn lên và gây ra tăng cân sau một thời gian ngừng tập luyện.
Chính vì vậy, các chuyên gia đều khuyên các vận động viên về hưu nên cố gắng duy trì một chế độ tập luyện nhất định để giảm sự ảnh hưởng của các hiệu ứng trên đối với cơ thể họ.
Có thể bạn đã quen thuộc với hình ảnh những cầu thủ bóng đá béo hẳn lên sau khi giải nghệ. Đó chính là tác động của việc ngưng tập luyện.
Nói tóm lại, việc đột ngột dừng tập luyện sẽ đem lại những phản ứng tiêu cực cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cũng đừng lấy những lí do này để bào chữa cho việc lười tập thể dục của mình.
Một lối sống ít vận động còn gây hại cho bạn hơn rất nhiều. Để có được một sức khỏe tốt, đừng bao giờ tiết kiệm những giọt mồ hôi. Các chuyên gia nói rằng bạn chỉ cần 300 phút luyện tập mỗi tuần là đủ cho một thể trạng tuyệt vời.