Ai được quyền đứng tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu?
Điều 107 – Bộ luật dân sự 2005 quy định:
1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.
Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự.
2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.
Như vậy, việc ai đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu là do gia đình bạn thoả thuận và cử ra một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định nêu trên để làm chủ, pháp luật không quy định bắt buộc chủ hộ phải là cha mẹ, người lớn tuổi trong nhà.
Việc thay đổi chủ hộ trong sổ hộ khẩu
Khoản 1 Điều 29 Luật Cư trú 2006 quy định: “Trường hợp có thay đổi chủ hộ thì hộ gia đình phải làm thủ tục thay đổi chủ hộ. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến của chủ hộ hoặc người khác trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ”.
Đối chiếu quy định này với trường hợp của bạn, nếu người mới được cho nhập hộ khẩu vào nhà bạn muốn trở thành chủ hộ thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ hiện tại hoặc các thành viên khác trong gia đình.
Do đó, người này không thể tự ý một mình đi làm các thủ tục thay đổi chủ hộ; nên việc “vượt” tất cả những người có tên trong hộ khẩu để thành chủ hộ không thể xảy ra được.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 9 Luật Cư trú năm 2006 quy định công dân có quyền “khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.” Vì vậy, nếu bạn có đủ chứng cứ xác định cán bộ công an làm thủ tục đăng ký hộ khẩu có hành vi vi phạm pháp luật về cư trú; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn có thể khiếu nại đến người quản lý trực tiếp của người có hành vi vi phạm hoặc khởi kiện ra trước Tòa án có thẩm quyền.