Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Bệnh tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế và chết yểu cao.
Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Bốn loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ…), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.
Tại Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ VI năm 2017 với chủ đề “Phòng chống các bệnh không lây nhiễm”, do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết hiện mỗi năm các bệnh không lây nhiễm đã gây tử vong khoảng 40 triệu người, tương đương 70% tổng số trường hợp tử vong trên toàn thế giới.
Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở hầu hết quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, và Tây Thái Bình Dương. Trong đó, bệnh tim mạch khiến nhiều người tử vong nhất (17,7 triệu người), tiếp đến là ung thư (8,8 triệu người), bệnh đường hô hấp (3,9 triệu), tiểu đường (1,6 triệu).
Những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mãn tính.
Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mãn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư,… chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật. Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% chết trước 70 tuổi.
Phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng gia tăng các bệnh này tại Việt Nam. Bà chỉ ra nguyên nhân của thực trạng này là việc hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn uống không hợp lý và căng thẳng.
Để hạn chế sự gia tăng và sự nguy hiểm của bệnh không lây nhiễm, Bộ trưởng Tiến yêu cầu các cơ sở y tế các cấp phải đẩy mạnh công tác phòng chống, tăng cường truyền thông phòng chống, sàng lọc phát hiện sớm các loại bệnh không lây nhiễm, chủ động phòng ngừa đối với các loại bệnh đã có vắc xin chủng ngừa, tăng cường chuyên môn, trang thiết bị trong việc tầm soát, điều trị bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ trong cộng đồng.