Hôm nay 14/11, là ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường. Hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa này.
Trước tiên, đái tháo đường là tên gọi chung cho một nhóm bệnh bao gồm bệnh đái tháo đường tuýp 1, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ. Bệnh xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin). Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng, bệnh đái tháo đường sẽ được kiểm soát bằng các biện pháp ăn kiêng, giảm cân, thuốc uống hoặc tiêm insulin.
Thống kê cho thấy số người trưởng thành tử vong toàn cầu liên quan tới đái tháo đường là khoảng 5 triệu người, trong khi con số tử vong do HIV/AIDS chỉ 1,1 triệu người; do lao là 1,4 triệu người và do sốt rét là 438 nghìn người.
Trao đổi trên tờ Sức khỏe và Đời sống, Cục trưởng cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định rằng đái tháo đường có thể được coi là đại dịch, nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.
Theo tờ Lao động, những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng mà bệnh nhân tiểu đường phải đối mặt như sau:
Ảnh hưởng đến dây thần kinh
Tiểu đường có thể gây nguy cơ bị bệnh thần kinh. Ngoài ra, nó cũng khiến mạch máu hẹp hơn do hàm lượng chất béo cao. Vì vậy, các dây thần kinh sẽ không nhận được đủ chất dinh dưỡng và oxy. Kết quả là, phải đối mặt với những cơn đau, ngứa ran trên ngón tay và gây cảm giác buồn nôn…
Tổn thương thận
Hàm lượng đường trong máu cao gây tổn thương hàng triệu vi mạch tại thận dẫn đến việc làm giảm chức năng lọc cầu thận và các chức năng khác của thận.
Bệnh về mắt
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến các mạch máu trong võng mạc và gây ra sự tăng trưởng bất thường của chúng, nó có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng cho mắt, thậm chí mù lòa. Bệnh làm tăng nguy cơ của bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.
Bệnh tim mạch
Nhồi máu cơ tim và đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường. Hàm lượng đường trong máu cao làm tăng sự lắng đọng ở xung quanh tim. Khi đó, các mạch máu hẹp không thể bơm đủ máu đến tim, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ.
Nhiễm trùng
Bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng và có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ bộ phận nào điển hình như: Răng, miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiểu bàng quang, thận… Đường máu cao và tuần hoàn máu kém làm cho các phản ứng bảo vệ chống nhiễm trùng ở các bệnh nhân này diễn ra chậm hơn và kém hiệu quả hơn.
Thời gian chữa lành vết thương lâu
Hàm lượng đường cao làm cho các mạch máu hẹp lại và cản trở lưu thông máu. Vì vậy, bất kỳ vết thương nào trên cơ thể cũng cần mất một thời gian dài để chữa lành đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
Cách đơn giản phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Bạn có thể hưởng ứng thông điệp phòng ngừa đái tháo đường bằng các cách sau:
Bỏ hoặc không hút thuốc lá.
Ăn nhạt, ăn nhiều rau, ăn đủ lượng kali, ăn nhiều cá, ăn ít mỡ động vật.
Uống cà phê vừa phải.
Hạn chế bia, rượu hoặc uống ít rượu bia và uống điều độ.
Giữ cân nặng chuẩn (chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 18,5 đến 24,9, tính bằng cách lấy cân nặng đo bằng ki lô gam chia cho bình phương chiều cao đo bằng mét).
Rèn luyện thể lực mức độ trung bình: 30 phút mỗi ngày như đi bộ nhanh (7 km/giờ), đi xe đạp, chạy, chơi bóng bàn, bơi, khiêu vũ.