Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hà Đông vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân Đặng Thị Nh, 19 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội, có dị vật tồn tại suốt 1 tháng trong phế quản.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân Đặng Thị Nh có biểu hiện ho, đau tức ngực kéo dài, không rõ nguyên nhân.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, ThS.BS Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng khoa Hô hấp và Bệnh phổi, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết, tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, nhưng với tình trạng bệnh nhân ho, tức ngực kéo dài.
Sau khi các bác sĩ đã thăm khám đã chỉ định bệnh nhân xét nghiệm X-Quang phổi, đờm và một số xét nghiệm cơ bản khác.
Kết quả cho thấy tổn thương viêm phổi rộng 2 bên tập trung nhiều bên trái. Các bác sĩ đã tiến hành soi phế quản, kết quả soi và kiểm soát đường thở phát hiện trong phổi bệnh nhân có rất nhiều đờm mủ bên phổi trái, đồng thời thấy có dị vật kích thước 1cm trong phế quản thùy dưới bên trái.
“Ngay sau khi phát hiện dị vật, chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành nội soi gắp thành công dị vật nguy hiểm trong phổi của bệnh nhân Nh. Kết quả giải phẫu dị vật được kết luận là một mô liên kết xơ cơ rất hi hữu và khó xác định là vật thể gì.
Tuy nhiên, khi khai thác lại tiền sử bệnh nhân Đặng Thị Nh được biết, trước đó 6 tuần bệnh nhân có đi ăn lẩu và vô ý bị sặc. Qua đó, dị vật được xác nhận chính là miếng thịt chui vào phế quản bệnh nhân bị sặc trong khi ăn lẩu” – BS Nguyễn Văn Giang cho biết.
Sau khi được các y, bác sĩ nội soi gắp lấy dị vật, bơm rửa sạch phế quản kết hợp điều trị kịp thời, sức khỏe bệnh nhân đã dần phục hồi ổn định và tiến triển tốt.
Qua trường hợp bệnh nhân Đặng Thị Nh, ThS.BS Nguyễn Văn Giang khuyến cáo, khi bị sặc, hóc dị vật để lâu có thể dẫn đến tình trạng ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc apxe quanh dị vật hoặc ở thùy phổi mà nó gây tắc.
Khi bị sặc khiến dị vật chui vào đường thở, nếu lớn có thể gây bít đường thở, suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.
Nếu dị vật nhỏ hơn sẽ vào sâu trong khí quản gây ho, khó thở, khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản, nếu không được xử lý nhanh chóng sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, mọi người nên cận thận khi ăn uống để tránh bị sặc dị vật.
Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân khi sặc, nhất là trẻ nhỏ nếu có biểu hiện tím tái, khó thở phải tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ bằng nghiệm pháp Heimlich (một thủ thuật dùng tay ép chặt vào bụng nhằm đẩy mạnh một áp lực mạnh trong đường dẫn khí để đẩy một dị vật gây tắc khí quản ra khỏi đường hô hấp trên).
Ngay sau đó, phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị kịp thời…/.