“Trong năm 2017, em có 12 ngày nghỉ hằng năm, tính đến giờ em mới nghỉ được 02 ngày. Cho em hỏi: Nếu hết năm mà em chưa nghỉ hết ngày nghỉ hằng năm thì có được Công ty trả tiền hay không?” – Đây là thắc mắc của chị Xuân Ngọc (Email:xuanngoc***@gmail.com).
Về vấn đề này được giải đáp như sau:
– Nếu người lao động (NLĐ) chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động (NSDLĐ) thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ (Căn cứ Khoản 1 Điều 114 Bộ luật Lao động 2012).
– Tiền lương làm căn cứ trả cho NLĐ trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm được quy định như sau:
+ Đối với NLĐ đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc, bị mất việc làm.
Đối với NLĐ chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 06 tháng liền kề trước khi NSDLĐ tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm.
+ Đối với NLĐ có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của toàn bộ thời gian làm việc.
Lưu ý: Tiền lương tính trả cho NLĐ trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương theo quy định nêu trên chia cho số ngày làm việc bình thường theo quy định của NSDLĐ của tháng trước liền kề trước thời điểm NSDLĐ tính trả, nhân với số ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
Nội dung nêu trên được Căn cứ vào Khoản 3 và Khoản 4 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Việc quy định tính tiền lương cho những ngày nghỉ chưa hết phép năm như đã nêu trên nhằm đảm bảo sự công bằng cho người lao động trong việc hưởng quyền được nghỉ ngơi. Người lao động ngoài tiền lương cố định còn họ được hưởng thêm thu nhập cho những ngày được phép nghỉ nhưng không không nghỉ trong năm. Và khoản tiền này sẽ được thanh toán sau khi hết thời gian làm việc trong năm.
Nếu công ty bạn có hành vi không trả lương cho toàn công nhân những ngày nghỉ phép hàng năm thì trường hợp này để bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho toàn thể nhân viên và chị bạn thì có thể có những cách giải quyết như sau:
Yêu cầu bên phía công đoàn công sở đại diện cho công nhân khiếu nại trực tiếp lên phía giám đốc của công ty.
Trường hợp bên phía công ty không giải quyết cho công nhân thì đại diện bên công đoàn cơ sở có thể lựa chọn các phương thức quy định tại Điều 203 – Luật Lao động 2012 như sau:
+ Hoà giải viên lao động.
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện).
+ Toà án nhân dân.
Như vậy, chị bạn và công nhân của có thể tùy vào trường hợp của mình để chọn các phương thức hòa giải như trên.