Theo quy luật tự nhiên, sau khoảng 9 tháng 10 ngày lớn lên trong bụng mẹ, em bé sẽ chào đời. Nhưng có một số trường hợp thai nhi lại có một khoảng thời gian ngắn rời khỏi cơ thể mẹ và được đưa trở lại trước khi sinh như những em bé bình thường khác. Đó là những thai nhi mắc phải tật nứt đốt sống, tên khoa học là Spina Bifida.
Trong lần khám tiền sản, sản phụ Lexi Royer, 28 tuổi, người Mỹ đã được bác sĩ phát hiện thai nhi của cô mắc căn bệnh này và yêu cầu cô phá thai. Tuy nhiên, Lexi đã chấp nhận mạo hiểm thực hiện một ca phẫu thuật đặc biệt: đưa bào thai ra ngoài tử cung để phẫu thuật rồi đặt trở lại chờ ngày sinh.
Đây là công nghệ phẫu thuật mới được nghiên cứu bởi bác sĩ Michael Belford đến từ Đại học Y khoa Baylor, Texas, Mỹ để cứu con mình. Các bác sĩ đã đưa bào thai ra khỏi bụng Lexi, sau đó, bơm khí CO2 vào khiến bào thai căng tròn như quả bóng và phẫu thuật cho thai nhi qua hai lỗ rất nhỏ trên túi thai bằng các thiết bị nội soi.
Một lỗ nhỏ dùng để đưa camera siêu nhỏ vào bên trong túi thai, nhằm chiếu sáng bên trong túi thai và theo dõi các thủ thuật của bác sĩ, trong khi lỗ còn lại được dùng để đưa các dụng cụ phẫu thuật vào thực hiện thao tác. Được biết, mục đích của việc bơm khí CO2 vào bên trong túi thai là để túi thai phình to hơn, tạo không gian cho phép các bác sĩ thực hiện thủ thuật y tế.
Chia sẻ trên Tạp chí chuyên khoa về sản phụ khoa Obstetrics and Gynecology, đội ngũ bác sĩ cho biết: Bác sĩ Michael đã nghiên cứu và thực hiện thủ thuật này suốt 2 năm. Ban đầu, thí nghiệm được thực hiện trên một túi thai giả là một quả bóng cao su chứa một con búp bê bọc trong da gà, sau đó là trên bào thai của một cừu cái.
Cho đến nay, phương pháp phẫu thuật này đã được thực hiện trên 28 trường hợp, đa phần đều có được các kết quả tích cực, trong đó không có trường hợp tử vong nào, chỉ có một vài trường hợp cần thực hiện thủ thuật xả dịch từ não thai nhi. Phương pháp phẫu thuật này đã đem lại nhiều hi vọng mới cho các mẹ bầu có thai nhi mắc tật nứt đốt sống.
Nứt đốt sống tồn tại dưới hai dạng:
– Nứt đốt sống dạng đóng: đây là dạng nhẹ nhất của dị tật nứt đốt sống.
– Nứt đốt sống dạng mở: Dạng này lại được phân chia thành hai dạng khác nhau là:
+ Thoát vị màng não: Số trẻ mắc dạng này rất hiếm.
+ Thoát vị màng não – tủy: Đây là trường hợp nặng nhất của dị tất nứt đốt sống.
Các em bé bị nứt đốt sống có nguy cơ bị tràn dịch màng não, có thể gây tổn thương não bộ, động kinh hoặc mù. Trước đây, căn bệnh này thường được điều trị bằng cách phẫu thuật cổ tử cung. Tuy nhiên, thực hiện các thủ thuật khi em bé vẫn còn là bào thai trong bụng mẹ ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ sinh non tăng lên rất nhiều.
Cách tốt nhất để phòng ngừa là bổ sung đầy đủ axit folic dạng viên nén song song với việc tận dụng nguồn thực phẩm trước và trong thai kỳ. Vì thực tế chúng ta rất khó xác định lúc nào sẽ mang thai nên tốt nhất hãy uống đều đặn axit folic từ 0,4 – 1 mg/ngày để giảm 50% nguy cơ. Đối với đối tượng có nguy cơ cao cần phải được bác sĩ tư vấn cụ thể từng trường hợp.