Trong bài báo vừa đăng tải trên tạp chí The Conversation, Giáo sư tâm lý học Jean Twenge (Đại học San Diego State, Mỹ) cho biết trong vòng 5 năm từ giữa năm 2010 đến 2015, số thanh thiếu niên Mỹ gặp phải các triệu chứng trầm cảm, nghĩ mình vô dụng đã tăng thêm 33% và tỉ lệ tự tử cũng tăng 31% so với các năm về trước.
“Phân tích của chúng tôi cho thấy thế hệ thanh thiếu niên mà tôi gọi là “iGen” – những người sinh sau năm 1995 – có nhiều khả năng gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần hơn những thế hệ trước đó” – giáo sư Twenge viết.
Trong bài báo cáo vừa xuất bản trên tạp chí khoa học Clinical Psychological Science, ông và nhóm của mình đã trình bày nghiên cứu về lý do khiến bóng ma trầm cảm – tự tử đè nặng lên những người sinh sau năm 1995: chiếc điện thoại thông minh.
Theo các số liệu được thống kê, tỉ lệ trầm cảm thanh thiếu niên và độ phổ biến của điện thoại thông minh đã tăng song song trong thời gian qua, nhất là nếu họ dùng nó để sử dụng các ứng dụng liên quan đến internet.
Nếu một thiếu niên gắn bó với chiếc điện thoại trên 5 tiếng mỗi ngày, nguy cơ trầm cảm nặng, tự tử hoặc có ý định tự tử tăng đến 71% so với người chỉ dùng điện thoại 1 giờ/ngày. Nguy cơ tự tử bắt đầu tăng đáng kể từ mốc sử dụng 2 giờ/ngày.
Đa số người sử dụng bị sa vào vòng lặp: buồn nên vùi đầu vào điện thoại và vì vùi đầu vào điện thoại nên cảm giác tiêu cực gia tăng.
Trong tâm thần học, tiếp xúc mặt đối mặt là cách đơn giản nhất để tìm thấy cảm giác hạnh phúc, tích cực. Về lâu dài, tương tác xã hội cao, ví dụ như tham gia vào các hoạt động tập thể có ích, còn có thể chữa lành những nỗi đau và tìm lại hạnh phúc.
Trái lại, cho dù sử dụng điện thoại để tìm những thứ vui vẻ, cảm giác cô lập xã hội vẫn bị tăng cao một cách khó kiểm soát. Tương tác ảo không đạt được các giá trị tinh thần như tương tác thật nên cảm giác cô lập vẫn xuất hiện.
Ghiền điện thoại cũng ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ. Thiếu ngủ là nguyên nhân chính của trầm cảm, trong khi cảm giác cô lập xã hội đem người ta đến ý nghĩ tự kết liễu.